Hình minh họa
“đi một ngày đàng, học một sàn khôn”, đa số con người rất thích đi đó, đi đây để thay đổi không khí, mở mang tri thức. Đã lâu lắm rồi Có một chàng thanh niên được một vị thần dẫn đi thăm quan 2 nơi. Trước hết anh được dẫn vào hỏa ngục, đúng lúc mọi người đang ăn uống. Anh nhìn thấy trên bàn tiệc ê hề món ngon vật lạ, sơn hào hải vị, không thiếu một món chi. Tuy món ăn rất ngon nhưng nhìn trên khuôn mặt của mỗi vị gầy ốm, xanh xao, họ tràn đầy sát khí, hiển lộ trên khuôn mặt của mỗi vị là sự sân hận, ganh ghét, thù oán, . . . Sau đó, anh được dẫn lên cõi trời, cũng đúng lúc mọi người đang ăn uống. Anh nhìn thấy trên bàn cũng những món ngon vật lạ. Tuy nhiên, bầu khí bữa tiệc thì khác hẳn: ai nấy đều hồng hào, mập mạp, rất vui vẻ, rất thư thái bình an, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Chàng thanh niên quan sát và thấy rằng hai bàn tiệc thức ăn đều giống nhau, và có những đôi đũa rất dài. Ở trên cõi trời, mỗi người gắp thức ăn đưa vào miệng người đối diện hoặc người bên cạnh, nên ai nấy đều được ăn no, ăn thoải mái. Dường như họ rất hiểu ý nhau, gắp cho nhau những món ăn mà người ấy thích. Họ nói chuyện ca hát thật vui vẻ và hạnh phúc. Còn địa ngục thì ngược lại, vì trên tay mọi người đều buộc một đôi đũa rất dài, họ không thể gắp thức ăn đưa vào miệng của mình. Chính vì không ăn được nên họ buồn, tức bực, rồi dùng đôi đũa đánh nhau sứt đầu mẻ trán
Chàng thanh niên ấy đưa ra một nhận định: cõi trời và địa ngục chỉ khác nhau một đều căn bản, đó là tình thương và trí tuệ. Cõi trời là bàn tiệc của những người quảng đại luôn yêu thương quan tâm đến người khác; còn địa ngục là bàn tiệc của những người ích kỷ chỉ biết lo lắng cho cái tôi của mình.
Ở đời, chúng ta vì trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi bởi tham độc Tham, sân, si lúc nào cũng hiện hữu trong ta. Nếu ai thường hay thực tập chánh niệm và tỉnh giác thì những hạt giống ấy sẽ lần lần lụi tàn.
Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, và Đại sư Tuyên Hóa khuyên rằng: Người tu hành nhất định là phải bồi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm. Khi có Tứ Vô Lượng Tâm rồi, mình mới có thể giáo hóa chúng sanh và khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui. Nếu người tu đạo không có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là làm ngược lại với đạo và dù có tu đến tám vạn đại kiếp, cũng vẫn còn xa Phật đạo đến cả tám vạn bốn ngàn cây số.
Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà mỗi người tu nên có. Sao gọi là Tứ Vô Lượng Tâm? Tức là từ, bi, hỷ, xả. Vô lượng là không có hạn lượng, có nghĩa là không bỏ dở nửa chừng, hoặc không đến giữa đường rồi tự vạch mức giới hạn cho mình, không muốn tiến tới. Như mới được chút đỉnh đó thì lấy làm đủ và nghĩ là xong rồi. Thật ra, Từ Bi Hỷ Xả không có lúc nào là đủ cả, mà có được càng nhiều thì càng tốt. Chúng ta nên mở rộng, tăng cường từ bi hỷ xả cho đến khi đạt đến cảnh giới toàn thiện mới thôi.
Từ là có thể cho niềm vui. Chúng ta có cho chúng sanh niềm vui không? Nếu như không có, đó tức là chúng ta không dùng hết lòng từ của mình. Chúng ta nên tiến đến mục tiêu “vô duyên đại từ,” là dùng lòng từ bi đối xử với những người không có duyên với mình. Chúng ta không những thông cảm với người cùng trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta cũng nên thông cảm với cả loài động vật trong cảnh hoạn nạn nữa. Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng ta nên ra tay tiếp đỡ, giúp chúng sanh thoát vòng khổ hải. Đấy là công việc mà Phật tử nên làm. Chúng ta đừng nên có thái độ dửng dưng, chỉ biết đứng nhìn mà không chịu giúp, vì thế là đánh mất tinh thần cứu thế của Phật Giáo. Trái lại, Phật Giáo lấy từ bi làm hoài bão, dùng cửa phương tiện của đạo Phật để tiếp nhận chúng sanh.
Bi là có thể bạt trừ khổ não. Chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ của chúng sanh không? Nếu không thể, thì đó là vì chúng ta chưa dùng hết lòng bi của mìmh. Chúng ta nên có tư tưởng “đồng thể đại bi,” cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết chìm, thấy người đói như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót. Trong khi các nhà Nho nói rằng “bi thiên mẫn nhân” lại cũng phù hợp với ý nghĩa trên. Do đó mà biết rằng tư tưởng của thánh nhân trong thiên hạ đều giống nhau, như cùng xuất phát theo vết bánh xe, không tách rời lòng trắc ẩn xót thương. Phật giáo chủ trương từ bi, Nho giáo đề xướng trung thành và tha thứ. Tâm tâm tương đồng, đấy là cốt tủy của tôn giáo, nếu không thì là dị thuyết của ngoại đạo.
Hỷ là tâm vui vẻ. Chúng ta có hoan hỷ vui thích học Phật Pháp không? Chúng ta có sanh ưu sầu, phiền não, hoặc có tâm tư bực dọc không? Nếu quả là có, chúng ta hãy mau sửa đổi, đừng phát sanh tánh tình như thế. Nếu còn chút ít tập khí, rồi dụng công phu từ thất tình lục dục, thì đó là quan niệm sai lầm. Nên hiểu là chúng ta không được tiếp tục có thứ quan niệm sai lầm như thế. Nếu không, chúng ta không thể nào tưởng tượng nỗi hậu quả của nó sẽ ra sao.
Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, vậy là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó - làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.
Tâm độc con người là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Ðó là vì người ta không có tâm từ bi hỷ xả. Cho nên con người bị đọa lạc đời nầy sang đời khác và tạo nghiệp ác ngày càng nhiều thêm. Các nghiệp đó tích tập lại từ ít thành nhiều, vì thế độc tố trên thân thể người ta mỗi ngày một thêm sâu đậm. Loại độc nầy không có thuốc chữa trị, rồi lâu dần sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp v.v... Những loài động vật nầy: miệng có độc, đuôi có độc, chân có độc, thân cũng có độc. Tóm lại, có các loại độc hại như vậy, hễ nhẹ thì làm người hôn mê, còn nặng sẽ khiến cho người ta mất mạng. Quả thật đáng sợ vô cùng.
Trong kinh Tương Ưng Bô V, chương 4, phẩm 6, phần Sàlà, NXB Tôn Giáo có viết: Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Kosala, tại ngôi làng tên Sàlà. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, ví như trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.
Và thế nào là các pháp thuộc phần giác ngộ? Này các Tỷ kheo, đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là pháp thuộc phần giác ngộ, vì đưa đến giác ngộ.
Ví như, này các Tỷ kheo, trong loài bàng sanh, sư tử, vua các loài thú được xem là tôi thượng, tức là về sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ.
Tín là thiết lập niềm tin sâu sắc vào tam bảo, tấn là tinh cần thực hiện và thành tựu tất cả các điều lành trong cuộc sống, Niệm là thực tập chánh niệm, tứ niệm xứ, Định là chứng đắc và an trú tứ thiền, Định là đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt của các Pháp , rõ biết như thật về Tứ Thánh Đế.
Tác giả bài viết: Thích Như Trúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn