Đối với Trung Hoa, Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai, còn đối với Ấn Độ, Phật giáo là một tôn giáo bản xứ. Thế nhưng tại Trung Hoa, Phật giáo phát triển mạnh đôi khi hơn cả Khổng giáo và Đạo giáo vốn là những tôn giáo bản xứ của Trung Hoa nữa. Còn tại Ấn Độ, Phật giáo không cạnh tranh nổi với Ấn giáo.
Điều đó cho thấy một tôn giáo phát triển được không hẳn hệ tại tôn giáo ấy là ngoại lai hay bản xứ. Cũng như Kitô giáo vốn xuất phát từ Á châu, nhưng lại không phát triển mạnh tại châu Á cho bằng Âu Châu. Và Kitô giáo không phát triển được tại châu Á không hẳn là vì tôn giáo này do người Tây truyền sang. Đối với Trung Hoa cũng như đối với Việt Nam, Phật giáo và Kitô giáo đều là ngoại lai, đều là từ phía Tây truyền sang, tuy dù cả hai đều có gốc gác từ Á châu. Vậy tại sao Phật giáo thì thành công tại Trung Hoa, còn Kitô giáo thì không?
Sự thiếu thích ứng của Phật giáo Ấn Độ
Phật giáo Ấn Độ không thay đổi
Tại Ấn Độ, nơi Phật giáo phát sinh, tuy Phật giáo gặp được rất thuận lợi, khởi đầu được rất nhiều vua chúa ủng hộ, mà Phật giáo lại không phát triển. Tại Ấn Độ, Phật giáo tồn tại và phát triển ngay trong nền văn hóa nguyên thủy của mình, nên không cần phải hội nhập văn hóa theo chiều ngang, nghĩa là thích ứng giữa văn hóa vùng này với văn hóa vùng khác. Giữa lòng đất mẹ, Phật giáo chỉ cần hội nhập văn hóa theo chiều dọc, nghĩa là thích ứng về mặt văn hóa giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Nhưng rất tiếc, Phật giáo Ấn Độ đã không có được sự hội nhập văn hóa theo chiều dọc ấy. Có thể vì các nhà lãnh đạo tôn giáo tại đây đã không biết thích nghi với hoàn cảnh, với sự tiến triển của thời thế, của tâm thức con người, cứ giữ chặt nếp sống cũ, áp dụng một cách nô lệ những điều Phật dạy.
Chẳng hạn, ngày xưa Đức Phật đi khất thực thế nào, ngày nay các tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ cũng khất thực y như vậy, cho dẫu hoàn cảnh và thời thế đã thay đổi khác hẳn ngày xưa. Giáo lý ngày xưa Đức Phật dạy thế nào thì nay cũng lại dạy như vậy, không phát huy thay đổi điều gì để thích ứng với thời đại mới, với con người mới, do đó, không đáp ứng được nhu cầu tâm linh luôn luôn đổi mới của quần chúng. Vì thế, Phật giáo tại Ấn Độ được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy, nghĩa là nguyên thủy thế nào thì về sau cũng vậy.
Đạo Bà-la-môn biết thích ứng hơn
Thực ra, còn có những lý do khác khiến Phật giáo không phát triển được tại Ấn Độ. Đó là vì tại Ấn Độ, đã có một tôn giáo khác cũng lớn, có tầm cỡ ngang với Phật giáo, và có trước Phật giáo. Đó là đạo Bà-la-môn. Đang khi Phật giáo cố gắng trung thành với giáo lý nguyên thủy, ít thay đổi và thích ứng, thì đạo Bà-la-môn thay đổi và canh tân nhiều hơn để phù hợp với tâm thức của người thời đại (1). Tại những nước khác như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Căm Bốt... Phật giáo Nguyên Thủy vẫn phát triển, vì không phải cạnh tranh với một tôn giáo lớn nào khác. Ngoài ra, Phật giáo còn bị Hồi giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ sang bách hại và tiêu diệt (2).
Còn tại Trung Hoa, tuy dù đã có hai tôn giáo bản xứ phát triển rất mạnh là Khổng giáo và Lão giáo, nhưng Phật giáo vẫn phát triển được, đôi khi mạnh hơn cả hai tôn giáo kia. Có thể là vì Phật giáo tại đây luôn luôn sẵn sàng thay đổi và trong thực tế đã thay đổi rất nhiều để phù hợp với những đặc tính, những nét cá biệt của người Trung Hoa. Sau đây ta thử xem Phật giáo đã thích ứng tại Trung Hoa như thế nào.
Phật giáo phát triển tại Trung Hoa
Bối cảnh văn hóa và xã hội (3)
Phật giáo du nhập vào Trung Hoa năm 67 sau công nguyên, đời Hán Minh Đế (4). Lúc ấy, Đạo giáo đang ảnh hưởng mạnh, còn Khổng giáo đang lúc bị suy vi. Giới trí thức, nho sĩ bề ngoài có vẻ như bảo tồn nho học, nhưng bề trong đã bắt đầu say mê Đạo giáo. Nho học chỉ còn là cái vỏ bên ngoài nặng tính từ chương, không còn sinh khí. Đạo giáo là do triết lý của Lão Tử và Trang Tử được tôn giáo hóa, thành một tôn giáo nặng về ma thuật, thần bí, thích thần thông phép lạ, ưa những chuyện thần tiên hoang tưởng. Từ quan đến dân, đa số đều say mê những chuyện thần thông, pháp thuật.
Khuynh hướng của dân chúng như thế mà Phật giáo đến rao giảng những điều thực tế, chân thật thì ai mà thèm nghe! Với chủ trương «tùy duyên hóa độ», Phật giáo luôn luôn phải có giáo pháp thích hợp cho mọi tình huống, mọi căn cơ của chúng sinh.
Vì thế, để hội nhập vào môi trường say mê pháp thuật như thế, các nhà truyền bá đạo Phật đã hòa mình với họ, cũng dùng pháp thuật để nói chuyện với họ, để hấp dẫn họ, để dần dần đưa họ thoát khỏi não trạng ấu trĩ ấy. Các «thừa sai» Phật giáo đã biết thích ứng cách áp dụng đạo pháp, cách diễn tả chân lý với dân chúng, chứ không bắt dân chúng phải thích ứng với đạo pháp hay cách diễn tả chân lý đã có sẵn của mình. Vì tuy Chân Lý chỉ có một, nhưng cách diễn tả và truyền đạt chân lý thì có tới «bốn vạn tám nghìn» cách khác nhau. Phương cách để biểu lộ Chân Lý theo quan niệm của dân chúng lúc đó và tại đó là pháp thuật, thì phương cách tốt nhất khiến họ tin tưởng rằng mình nắm được Chân Lý chính là dùng pháp thuật.
«Chiến thuật» hội nhập
Thế là các «thừa sai» đạo Phật đã phải cầu cứu tới ổ thần bí của họ bên Ấn Độ để đem vào Trung Hoa những kinh điển dạy về pháp thuật, thần thông. Các nhà hoằng dương đạo Phật đã phải biểu diễn thần thông, để chứng tỏ pháp thuật của Phật giáo cao hơn của Đạo giáo. Nhờ vậy, dân chúng mới có cơ sở để đặt niềm tin vào Phật giáo (theo ý nghĩ đơn sơ của họ) và họ đã theo Phật giáo rất đông, chắc chắn không phải vì họ giác ngộ được chân lý thâm sâu vi diệu của Phật giáo, mà vì Phật giáo lúc đó thỏa mãn được nhu cầu ấu trĩ của họ.
Khi họ bắt đầu sẵn sàng nghe mình nói, sẵn sàng làm theo những chỉ dẫn của mình, hy vọng sẽ đạt được khả năng về thần thông như mình, thì các nhà truyền bá đạo pháp mới bắt đầu giảng chân lý, đạo pháp đích thực cho họ. Dần dần dân chúng nhận ra chân lý và thấy những điều mơ ước về pháp thuật chỉ là mộng ảo, có đạt được cũng chẳng ích lợi gì cho hạnh phúc đích thực của mình. Việc giác ngộ rằng pháp thuật không ích lợi gì cho hạnh phúc đích thực của mình có thể phải một thời gian lâu sau mới đạt được, thậm chí cả một thế hệ. Nhưng không thể không có thời kỳ «quá độ» ấy. Nếu không chấp nhận thời kỳ «quá độ» kém trong sáng ấy thì khó có được thời kỳ thật trong sáng theo sau.
Phá chấp để thích ứng
Thích ứng như thế quả là «phá chấp», vì Phật tổ cũng như tất cả các vị giáo chủ chân chính khác đều cấm tu luyện pháp thuật. Vì khi con người chưa giải thoát mà tu thần thông thì sẽ dễ sa vào đường tà, phụng sự cho lòng ích kỷ của mình. Riêng Phật tổ, ngài cấm rất ngặt việc tu luyện hay biểu diễn thần thông. Đương nhiên các nhà hoằng dương đạo Phật ở Trung Hoa thời đó phải thông hiểu lệnh cấm đó hơn ai hết.
Bình thường, biểu diễn thần thông như thế là không đúng, là có hại. Nhưng trong trường hợp hoằng pháp này thì tạm thời biểu diễn và phổ biến thần thông là đúng, là ích lợi và cần thiết. Như vậy, trong việc truyền bá đạo, để «tùy duyên hóa độ», đôi khi chúng ta buộc phải tạm thời chấp nhận một tình trạng, một phương thế không được trong sáng lắm để tiến tới một tình trạng tốt đẹp hơn. Những minh họa sau sẽ giúp ta hiểu rõ hơn câu nói trên.
Một vài minh họa
Tụng kinh lấy tiền
Trong các giai thoại của Phật giáo, có câu chuyện sau đây: Một Thiền sư trụ trì một ngôi chùa có đông đệ tử, trong đó có một đệ tử luôn luôn bị cha mình cản trở không cho tu. Ông đả phá việc tu Phật, thậm chí nói nhiều lời phỉ báng Đức Phật. Người đệ tử trình bày lên thầy mình mọi sự nhẽ và xin thầy độ cho cha mình.
Vị Thiền sư yêu cầu người đệ tử dò xét xem người cha có nhu cầu và sở thích gì rồi cho ông biết. Người đệ tử cho thầy biết điều cha mình đang cần là có công ăn việc làm để sinh sống. Vị Thiền sư bèn nhờ đệ tử đó làm một hợp đồng với người cha ấy để ông này lần chuỗi «Nam-mô A-Di-Đà Phật»: cứ lần hết một chuỗi 108 hột thì ông sẽ được trả 50 xu. Vì không có việc làm, nên ông chấp nhận ngay, vả lại, «lương» trả như vậy phải nói là «hậu hĩnh».
Thế là ông bắt đầu «nam-mô» suốt ngày, cho dẫu ông chẳng tin vào Phật chút nào cả. Vì nhà chùa trả «lương» rất sòng phẳng, nên ông chăm chỉ lần hạt hết tháng này sang tháng khác. Nhưng chính nhờ chuyên tâm lần hạt, tâm hồn ông càng ngày càng được thuần hóa đối với đạo pháp. Khi thấy ông tiến triển về mặt tâm linh và trí tuệ hơn, vị Thiền sư đề nghị ông tụng kinh Phật, tụng xong một cuốn kinh dài thì được trả 5 đồng. Vì nhu cầu cuộc sống, ông cũng đành phải tụng, cho dù ông chẳng thích tí nào.
Cứ tụng tháng này qua tháng khác, lời lẽ trong kinh thấm nhập tâm ông làm trí tuệ ông mở ra, và một ngày kia, ông đã giác ngộ được chân lý. Khi biết vị Thiền sư đã dùng phương pháp «đọc kinh được tiền» chỉ là để độ mình, không vì một mục đích nào khác, ông rất cảm động, bèn đem trả lại số tiền mà chùa thuê ông đọc kinh sau khi đã tiêu mất ít nhiều. Bây giờ thì ông tự nguyện tụng kinh vì thấy điều đó ích lợi cho tâm linh ông, và ông đã qui y Phật pháp.
Tụng kinh để được tiền, thật là trái nguyên tắc và không đúng đắn chút nào. Nhưng nếu không dùng phương cách ấy thì làm sao độ được một người vô đạo như thế? Chính cái không đúng đắn ấy lại trở thành đúng đắn nhất, đúng đắn hơn là chấp vào nguyên tắc để rồi bó tay. Trong kinh nghiệm của các linh mục hay tu sĩ, ta thấy Chúa đã dùng phương cách tương tự như thế để kêu gọi họ theo Ngài. Thật vậy, hồi mới vào tiểu chủng viện, có mấy ai đi tu vì mục đích cao thượng là làm sáng danh Chúa và cứu các linh hồn? Đa số đi tu vì những động lực hết sức trẻ con và trần tục. Nhưng càng đi sâu vào đời tu thì càng ý thức được động lực đúng đắn mình phải có, và động lực trần tục kia mất dần. Nếu những vị linh hướng chủng viện đòi buộc mọi chủng sinh phải có động lực đúng đắn ngay từ đầu, và nhất định không chấp nhận những động lực thiếu đúng đắn kia, thì ngày nay làm sao có được số linh mục tu sĩ đông đảo như bây giờ?
Quảng cáo thuốc kiểu «mãi võ Sơn Đông»
Một minh họa khác: Ta thấy những người bán thuốc dạo kiểu «mãi võ Sơn Đông» lúc nào cũng có đông khán giả tới nghe quảng cáo thuốc. Có phải những khán giả này đến với họ là để nghe quảng cáo thuốc hầu mua thuốc chăng? Không, hầu hết các khán giả đến chỉ với mục đích duy nhất là để xem những người quảng cáo thuốc làm xiệc, làm ảo thuật, múa võ... hay làm những tiết mục hấp dẫn khác. Còn những người bán thuốc, mục đích của họ là gì? có phải là mua vui cho khán giả chăng? Không, mục đích của họ là bán thuốc kiếm sống. Nhưng chính vì họ biết thích ứng với nhu cầu tò mò giải trí của quần chúng, mà họ đã quảng cáo và bán thuốc được. Trong khi làm xiệc hay ảo thuật, đúng lúc mọi người tập trung hết tâm trí vào trò giải trí ấy thì họ ngưng lại và quảng cáo thuốc bằng những lời ngon ngọt hấp dẫn nhất. Lời họ quảng cáo như rót vào tai quần chúng. Đúng lúc quần chúng không còn tập trung tinh thần nữa thì màn xiệc hay ảo thuật lại tiếp tục.
Chính Chúa Giêsu cũng áp dụng nghệ thuật đó. Dân chúng đến với Ngài để nghe Ngài rao giảng Chân Lý thì ít mà đến để xem Ngài làm phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỉ thì rất nhiều. Mục đích của Ngài là đến để rao giảng Tin Mừng chứ đâu phải để chữa bệnh hay làm phép lạ như thế. Nhưng nếu Ngài không chịu làm mấy trò phụ thuộc ấy thì có được mấy người tự nguyện đến nghe rao giảng Tin Mừng? Rõ ràng Ngài đã thích ứng với quần chúng chứ không đòi buộc quần chúng phải thích ứng với Ngài. Ngài đã thích ứng với não trạng ấu trĩ của quần chúng.
Lợi dụng sở thích của người để cứu họ
Trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh, phẩm thí dụ (5), Phật ví thế gian này như một căn nhà đang bị cháy (căn nhà lửa), trong đó có những đứa con trong gia đình đang ăn uống nhậu nhẹt vui chơi, không hay biết gì về mối nguy ngập sắp xảy đến với mình. Và Phật giống như người cha ở ngoài, đang dùng đủ mọi cách để làm sao cứu được con cái mình, làm sao dụ chúng ra khỏi căn nhà đầy nguy hiểm ấy: ông biết các con mình ưa thích những món đồ chơi quí giá lạ thường, nên ông bảo chúng ra ngoài thì sẽ có những món đồ chơi ấy. Các con ông nghe cha nói có đồ chơi quí giá đẹp đẽ nên chạy ùa ra khỏi nhà lửa, nhờ vậy mà thoát nạn.
Nếu người cha báo cho chúng biết nhà sắp cháy, các con chưa thấy và đang mải vui chơi nên chưa thấy nhu cầu phải ra. Nhờ hứa những món đồ chơi hấp dẫn hơn những mòn chúng đang chơi, nên chúng chạy ra ngay, không cần phải thuyết phục nhiều lời. Như thế, người cha đã thích ứng với sở thích của con cái để cứu chúng một cách dễ dàng, chứ không theo cách khó hơn và mất thì giờ là thuyết phục để chúng nhận thức được nguy hiểm và ra khỏi nhà lửa.
Cách hội nhập của Thiền tông
Người đưa Thiền Ấn Độ sang Trung Hoa là Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma. Khi ông đưa Thiền sang Trung Hoa vào đời Lương Võ Đế (528 dl), thì Phật giáo đã truyền sang Trung Hoa được gần 500 năm, nghĩa là từ thời Hán Minh Đế (67 dl). Phật giáo cũng như Thiền tông, không phát triển được ở Ấn Độ, nhưng lại phát triển mạnh tại Trung Hoa, vì đã biết thích ứng và hội nhập văn hóa trong môi trường mới này.
Thiền Ấn Độ và Thiền Trung Hoa
Thiền Ấn Độ được Lão Trang hóa
Phật giáo tuy từ Ấn Độ truyền sang, nhưng phải nói Phật giáo Trung Hoa có nhiều khác biệt so với Phật giáo Ấn Độ, nhất là trong pháp môn Thiền Tông. Chẳng hạn Thiền Ấn Độ mang tính tiệm tu (6), đặt rất nặng việc thiền định, coi thiền định là pháp môn quan trọng nhất để tu. Còn Thiền Trung Hoa mang tính đốn ngộ (7), đặt nhẹ thiền định vì coi đó chỉ là một pháp môn phương tiện, không phải là chủ yếu.
Tại sao có sự khác biệt ấy? Tại vì Thiền Ấn Độ khi truyền qua Trung Hoa đã được Lão-Trang-hóa thành Thiền Trung Hoa, Thiền Ấn Độ đã cởi bỏ lớp áo văn hóa Ấn Độ để mặc vào bộ áo văn hóa Trung Hoa hầu thích ứng với những tính chất riêng biệt của dân Trung Hoa. Bộ áo bên ngoài tuy có thay đổi, nhưng cốt tủy bên trong vẫn là một. Nếu Thiền Trung Hoa và Thiền Ấn Độ vẫn giống hệt nhau, cho dù hai môi trường văn hóa rất khác biệt nhau, thì làm sao gọi là thích ứng được?
Thích ứng đòi hỏi phải có sự thay đổi, không thay đổi gì cả tức là không có thích ứng. Muốn biết một tôn giáo có biết thích ứng hay không, ta cứ xem tôn giáo đó khi được truyền vào một môi trường văn hóa khác hẳn với môi trường cũ, có thay đổi gì về lễ nghi bên ngoài, về cách truyền đạt giáo lý, về y phục... hay không. Tôn giáo nào không biết thích ứng thì mãi mãi vẫn là tôn giáo ngoại lai trong môi trường mới của mình.
Người Trung Hoa khác với người Ấn Độ
Văn hóa Ấn Độ chịu ảnh hưởng triết lý Veda và đạo Bà-la-môn. Phật giáo nguyên thủy đã hội nhập trong nền văn zhóa này. Trước khi có đạo Phật thì người Ấn Độ đã biết thiền định, vì đó là phương pháp tu tập cổ truyền của Ấn Độ nhằm tập trung tinh thần để trí huệ trở nên sáng suốt. Do tu tập lưu truyền nhiều thế hệ, người Ấn Độ có thể ngồi thiền định nhiều tiếng đồng hồ liên tục một cách dễ dàng. Đức Phật đã khám phá ra rất nhiều chân lý và đã giác ngộ thành Phật phần lớn nhờ vào phương pháp thiền định. Vì thế, Đức Phật đề cao pháp môn thiền định như một pháp môn chủ yếu để thành Phật.
Nhưng khi đạo Phật truyền sang Trung Hoa, người dân ở đây đâu có thiền định dễ dàng như người Ấn Độ, thiền định chắc chắn là một điều rất lạ lẫm và khó khăn đối với họ. Người Trung Hoa hiếu động và có xã hội tính hơn người Ấn Độ rất nhiều, họ khó mà ngồi trầm tư mặc tưởng lâu giờ được như người Ấn Độ. Nếu cứ khăng khăng lấy thiền định làm pháp môn chủ yếu để tu tập, chắc chắn nhiều người Trung Hoa muốn tu Phật sẽ phải bỏ cuộc.
Sẵn sàng thay đổi những gì có thể thay đổi
Nếu thiền định là điều cốt tủy, không thay đổi được, thì dù khó khăn đến đâu người quyết tâm theo Phật cũng phải khắc phục. Nhưng khi người Trung Hoa gặp khó khăn trong việc thiền định, thì các «thừa sai» Phật giáo đã xét lại xem thiền định có thật sự là cái gì thuộc cốt tủy, «không có không được», và không thể thay đổi, để có thể giác ngộ bản tính chân thật và giải thoát không? Nếu không thiền định thì còn là đạo Phật không? Hay thiền định chỉ là một phương tiện rất thích hợp với người Ấn Độ, còn với người Trung Hoa thì phải tìm phương tiện khác thích hợp hơn?
Huệ Năng cải cách quan niệm cũ
Vấn đề quan trọng là phải nhận ra cái nào là cốt tủy phải giữ nguyên, cái nào là tùy phụ có thể thay đổi. Điều này rất khó khi người ta đã thần thánh hóa các phương tiện của tôn giáo, khiến họ không còn đầu óc khách quan để nhận định. Cho tới Lục Tổ Huệ Năng, vấn đề trên mới được giải quyết ngã ngũ. Theo Huệ Năng, Thiền định chỉ là một trong những phương tiện để giúp giác ngộ, không phải là phương tiện duy nhất. Nó có thể có hại nếu người ta chấp cứng vào nó.
Và kể từ Huệ Năng, Thiền Trung Hoa càng ngày càng khác với Thiền Ấn Độ, vì các Thiền sư luôn luôn tìm hiểu trình độ tâm linh của quần chúng, sẵn sàng thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh và thời thế, luôn luôn phát huy những pháp môn mới để đáp ứng nhu cầu tinh thần của từng lớp người. Vì thế, Phật giáo Trung Hoa mỗi ngày mỗi thêm thanh thế, và cuối cùng đã chinh phục được đa số dân Trung Hoa, một dân tộc đông đảo nhất thế giới.
Thiền định không phải là phương tiện không thể thay đổi!
Sau khi giác ngộ và được Huỳnh Mai Ngũ Tổ truyền y bát để thành Lục Tổ, Huệ Năng nhận ra mình đắc đạo không nhờ thiền định, mà do thấy được «chân tánh» của mình, do phá được mọi lầm chấp ràng buộc trí tuệ mình. So với những người tu khác, ông thiền định rất ít. Vả lại, có rất nhiều người thiền định suốt cả đời mình mà vẫn không hề giác ngộ.
Thiền định quả có làm cho người ta sáng suốt hơn để nhận ra chân lý, nhưng nó chỉ là một trong những phương tiện tốt và hữu hiệu, chứ không phải là duy nhất không có không được. Vì thế, người ta có thể dùng một phương tiện khác những khi phương tiện này trở nên không thuận lợi. Vả lại, nếu đã là phương tiện thì nó có thể đưa người ta tới đích khi họ biết sử dụng nó, mà cũng có thể cản trở họ đạt tới đích khi họ lầm nó hay đồng hóa nó với mục đích. Vì thế, càng tin rằng phải nhờ vào thiền định mới giác ngộ được, thì người ta càng dễ trụ chấp vào thiền định. Càng trụ chấp vào thiền định thì càng không thấy được chân tánh mình (8)
Chủ trương «đốn ngộ»của Huệ Năng
Việc giác ngộ được thực tại thâm sâu ấy không hoàn toàn tùy thuộc vào thời gian tu lâu hay mau, hay vào trình độ học vấn cao thấp... Chẳng hạn Huệ Năng là người ít học, nhưng chỉ tu theo Ngũ Tổ Huỳnh Mai ít lâu là đắc đạo. Còn Thần Tú là một nhà nho uyên bác, tu theo Ngũ Tổ đã lâu năm mà vẫn chưa đắc đạo. Vì thế, Huệ Năng không chủ trương «tiệm tu», mà chủ trương «đốn ngộ». Điều đó phù hợp với tâm lý người Trung Hoa hơn, vì họ hiếu động, không có khả năng chờ đợi lâu như người Ấn.
Huệ Năng tuy chủ trương ngược với Thiền Ấn Độ nhưng vẫn phù hợp với chủ trương của Phật tổ, vì Phật chủ trương «tùy duyên hóa độ», nghĩa là tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh của người nghe mà đưa ra nhiều pháp môn khác nhau để phù hợp với từng người, từng nhóm người.
Sự thích ứng sáng tạo của Phật giáo Trung Hoa
Sự phát sinh những tông phái mới
Tính hội nhập văn hóa của Phật giáo Trung Hoa rất mạnh nên dần dần đã phát sinh ra những tông phái mới để đáp ứng với nhu cầu tâm linh và khuynh hướng trí tuệ của từng lớp người, trong nền văn hóa đa dạng của Trung Hoa. Do đó, Phật giáo Trung Hoa mang màu sắc khác hẳn với Phật giáo Ấn Độ vốn là gốc của mình. Cũng vậy, Phật giáo tại Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... cùng phát xuất từ Phật giáo Trung Hoa, nhưng mỗi nơi đều có những bản sắc riêng về giáo lý, pháp môn, phương pháp tu tập... thích hợp với bản sắc dân tộc mình. Phật giáo Trung Hoa có 10 tông phái chính:
1. Luật tông: nhấn mạnh đến việc giữ lề luật.
2. Tịnh độ tông: chú ý tới việc niệm Phật.
3. Thiền tông: lấy tham thiền nhập định làm căn bản tu tập.
4. Mật tông: dùng thần chú để chế ngự thân tâm và mở mang trí tuệ.
5. Duy thức tông: dùng lý luận, triết lý để mở mang trí tuệ.
6. Pháp Hoa tông: tu tập theo kinh Pháp Hoa.
7. Hoa Nghiêm tông: tu tập theo kinh Hoa Nghiêm.
8. Tánh Không tông: tìm ra những chấp trước sai lầm của mọi người để chứng ngộ chân lý.
9. Hữu tông: chủ trương «cái tôi» là không có thật, nhưng các pháp có thực.
10. Thành thật tông: chủ trương bản ngã cũng như các pháp đều không có thực.
Mỗi người tùy theo nhân duyên, sở thích hay khuynh hướng trí tuệ mình mà thích hợp với tông phái này hay tông phái khác. Phật giáo Trung Hoa chủ trương có đủ «món ăn» tinh thần cho mọi «khẩu vị» tâm linh, nhờ vậy mà thích ứng được với mọi người. Đó chính là sự thích nghi, một trong những điều kiện quan trọng của hội nhập văn hóa.
Diễn tả sứ điệp theo cung cách văn hóa bản xứ
Sứ điệp của Phật giáo ban đầu được diễn tả bằng những yếu tố văn hóa Ấn Độ, bằng những ý niệm của triết lý Veda, Upanishads. Nhưng khi truyền sang Trung Hoa, Phật giáo, nhất là Thiền, đã dùng những yếu tố văn hóa Trung Hoa -đặc biệt là hệ thống tư tưởng của Lão-Trang, vốn phù hợp với tư tưởng Phật giáo hơn của Khổng-Nho -để diễn tả chân lý của mình. Nhờ vậy, tại Trung Hoa, tuy không phải là tôn giáo bản xứ, nhưng Phật giáo vẫn không bị coi là ngoại lai. Trái lại, Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm trở lại trên nền văn hóa Trung Hoa. Tư tưởng Phật giáo phảng phất rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, văn chương, ca dao, tục ngữ, phong tục, và nhất là trong nếp tư tưởng của dân tộc Trung Hoa.
Tuy có rất nhiều tông phái khác biệt nhau, và sự khác biệt giữa các tông phái Phật giáo có thể rất lớn, nhưng tín đồ Phật giáo trong các tông phái luôn luôn coi nhau như đồng đạo, không coi nhau là sai lầm, mà luôn luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau, coi đó như một sự đa dạng rất thường tình, tất yếu phải có trong cuộc đời.
Phật giáo đã hội nhập văn hóa vào Trung Hoa như thế. Thế còn hội nhập văn hóa của Kitô giáo? Sau đây, chúng ta tìm hiểu việc hội nhập văn hóa của Kitô giáo vào Âu Châu.
Phần chú thích
(1) Ấn giáo hiện nay là hình thức cuối cùng của một quá trình tiến hóa của một tôn giáo tại Ấn Độ. Khởi đầu là Vệ Đà giáo, sau biến đổi thành Bàlamôn giáo, và cuối cùng thành Ấn giáo. Và cuối thế kỷ 19, Ấn giáo lại được Ramakrisna, một đạo sư nổi tiếng, cải tổ và chấn hưng lại. Vì thế, Ấn giáo luôn luôn đầy sức sống.
(2) Về nguyên nhân khiến Phật giáo bị tiêu diệt ở Ấn Độ, Thượng Tọa Thích Thiện Hoa viết: «Nếu chỉ vì hai lý do ngoại lai nói trên (sự phát triển của đạo Bà-la-môn và sự bách hại của Hồi giáo)thì đạo Phật ở Ấn Độ không dễ gì bị tiêu diệt một cách mau chóng như thế. Sự suy sụp của Phật giáo ở Ấn Độ còn là sự suy đồi của Tăng giới, Phật thiếu tu thiếu học, thiếu tinh thần tiến thủ của giới lãnh đạo Phật giáo Ấn Độ thời bấy giờ nữa» (Thích THIỆN HOA, Phật học Phổ thông, quyển II, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, trang 30).
(3) Viết theo NGUYỄN DUY CẦN, Chu Dịch Huyền Giải, Tủ sách Thu Giang, Sàigòn 1975 (trang 90-93: Thiền Ấn Độ và Thiền Trung Hoa).
(4) Nghĩa là sau khi Phật sinh 691 năm, và sau khi Phật nhập diệt được 611 năm.
(5) DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH, Phẩm thí dụ (quyển hai, phẩm 3): bản dịch của Thích Trí Tịnh, trang 106 -116.
(6) Tiệm tu: tu từ từ, thăng tiến mỗi ngày một hơn cho đến khi thành Phật.
(7) Đốn ngộ: ngộ tức khắc, và hễ ngộ được bản tính chân thực của mình là thành Phật.
(8) Trong Thiền tông có giai thoại này:
Tại Truyền Pháp viện, Mã Tổ (709–788) ngày ngày đến đó ngồi Thiền. Sư Nam Nhạc (là thầy của Mã Tổ) thấy vậy hỏi:
– Đại Đức ngồi thiền để làm gì?
– Để làm Phật.
Sư bèn cầm một miếng ngói đến trước am ngồi mài trên phiến đá. Mã Tổ thấy lạ hỏi:
– Sư mài ngói để làm gì?
– Để làm gương.
– Mài ngói sao thành gương được?
– Còn ngồi thiền há thành Phật được sao?
– Vậy phải làm sao?
– Ví như người đánh xe, xe không chạy, nên đánh vào xe hay đánh vào bò?
Mã không đáp gì được. Sư nói tiếp:
– Ông học ngồi Thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi Thiền không phải việc nằm ngồi, nếu học ngồi Phật thì Phật không có hình tướng nhất định, ở nơi pháp vô trụ chẳng giữ chẳng bỏ. Ông học ngồi Phật tức giết Phật, bằng chấp vào tướng ngồi thì chẳng đạt lý. (Xem DAISETZ TEITARO SUZUKI, Thiền luận I, Bản dịch của Trúc Thiên, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1992, trang 376).
NGUYỄN CHÍNH KẾT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn