Niềm vui
CHƯƠNG 1
Tiếng gọi của Thế Tôn
Từng tiếng chuông ngân lên trong màn đêm tĩnh mịch, vang dài trên khắp núi đồi, như gọi mời vạn loài thức dậy sau một giấc ngủ dài. Chú Tâm An cũng miễn cưỡng lồm cồm bò dậy, hai con mắt còn nhắm cứng, khuôn mặt nhăn nhó trông đến tội nghiệp. Chú gục xuống giường ngủ tiếp, nhưng có tiếng của Thầy gọi nhẹ:
- Tâm An ! Dậy đi con.
Chỉ một câu thôi mà chú ngồi bật dậy, vội vả xếp mền mùng, rồi đi vào nhà vệ sinh. Khuôn mặt còn ngái ngủ, tay cứ dùi dụi vào hai mắt để giúp mình tỉnh hẳn.
Thầy nhìn chú mỉm cười cảm thông, Thầy nhớ hình ảnh của chú tuần trước còn bỡ ngỡ đứng trước sân chùa mân mê từng chiếc lá, từng cành hoa một cách trìu mến. Chú rụt rè khi gặp cái nhìn của Thầy, rồi chắp tay xá chào. Chú nói nhỏ xíu trong miệng:
- Thầy ơi! Con muốn đi tu, con muốn ở chùa.
Nói xong, chú cúi đầu chờ đợi một hồi lâu mới dám ngước lên nhìn Thầy, Thầy nhìn chú yêu thương và nở một nụ cười hiền hậu làm chú yên tâm hơn. Trong đôi mắt thơ ngây ấy hiện lên những dấu chấm hỏi và sự mong đợi một câu trả lời. Thầy đến gần nắm tay chú dắt đến phiến đá rồi bảo chú ngồi xuống. Thầy từ tốn hỏi:
- Con mấy tuổi rồi?
- Dạ thưa, con đã mười hai tuổi rồi ạ!
- Con tên gì?
- Dạ, con tên là Nguyên Khang.
- Con đến đây với ai?
- Dạ, con đi một mình.
- Thế ba mẹ con đâu?
- Dạ, ba con đã bỏ mẹ con đi theo người khác, mẹ con giờ đang đi tìm ba về, mẹ không còn nhớ đến con nữa, lúc nào cũng buồn bực gắt gỏng, la mắng con.
- Vậy mẹ con có biết con đi đâu không? Lỡ mẹ về không thấy con, mẹ con buồn khổ lắm.
Nghe nói mẹ sẽ buồn khổ, lòng chú hơi chùng lại một lát rồi nói:
- Dạ thưa Thầy, con có viết thư xin mẹ cho con đi tu rồi, nhưng con không nói cho mẹ biết con đi tu ở đâu để mẹ không tìm ra con nữa, khi nào con xuất gia rồi con sẽ viết thư báo cho mẹ biết.
Thầy ngồi đó lắng nghe, chợt thở dài rồi hỏi:
- Có phải con giận ba mẹ mà bỏ đi tu không?
- Dạ… dạ… - chú ngập ngừng không dám trả lời.
- Mình muốn đi tu thì mình phải ngay thẳng, có thì nói có, không thì nói không, sao con lưỡng lự vậy?
- Dạ, thực ra, con cũng giận ba mẹ lắm, mà con cũng thương mẹ nhiều lắm, nên con không biết phải trả lời sao nữa, nhưng con thích làm thầy tu, con thích ở chùa. Con thấy quý thầy hiền lành, không chửi mắng, đánh đập ai cả nên con muốn được như vậy.
- Đi tu khổ lắm, con có chịu được không?
- Dạ khổ là sao thưa Thầy?
- Trước hết là con phải thức khuya dậy sớm, bốn giờ kém mười lăm là con phải dậy rồi, con không được ngủ thoải mái như ở nhà được. Con còn phải học văn hóa, học kinh kệ, giáo lý… con có chịu nổi không?
Nghe Thầy nói, chú hăng hái trả lời liền:
- Dạ thưa Thầy, con làm được mà.
Thầy nhìn chú mỉm cười, cái tuổi thơ là như vậy, tâm hồn trong sáng, thuần khiết. Động cơ thúc đẩy một đứa trẻ muốn xuất gia chỉ vì thấy thích một nét đẹp nào đó như hình ảnh một vị tu sĩ bước đi nhẹ nhàng, chậm rãi, hoặc chỉ thích nghe tiếng tụng kinh… Cái tâm ban đầu ngây thơ, thanh lương ấy mới đẹp làm sao. Thấy Thầy im lặng, chú chắp tay thưa:
- Dạ con thưa Thầy, con có được ở đây tu không ạ?
Thầy gật đầu, đưa tay xoa đầu chú rồi nói:
- Con hứa mình sẽ làm được những điều khó khăn nho nhỏ như thầy đã nói thì con cứ ở lại đây một thời gian xem sao? Khi nào thầy thấy đủ duyên thầy sẽ cho con xuất gia. Thầy sẽ liên lạc với gia đình con, báo cho mẹ con biết con đang ở đây để mẹ con khỏi lo lắng.
Chú nghe đến đó trong lòng lo sợ:
- Thưa Thầy, nếu mẹ biết con ở đây rồi vô chùa dắt con về thì sao? Con muốn tu mà. Chú nói như mếu.
- Thầy sẽ giúp con, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào sự quyết tâm của con. Nếu có chuyện đó xảy ra, con phải thể hiện cho mẹ con thấy được tấm lòng, ước mơ của con với con đường xuất gia. Thầy hy vọng con sẽ làm được.
Nói xong, Thầy mỉm cười, đứng dậy, dắt chú vào chùa. Chú vui vẻ trở lại, bước theo Thầy đến phòng các bạn nhỏ như chú đang ở, đến cửa Thầy gõ ba tiếng rồi vào trong. Thầy gọi:
- Tâm Chánh, Tâm Từ! Hai con ở đâu?
Từ trong hốc tủ, hai chú bé lò mò bước ra, chắp tay chào:
- Dạ thưa, Thầy gọi con?
- Hai con lại bày trò gì nữa vậy?
Hai chú lấm lét nhìn Thầy, chú lớn hơn thưa:
- Dạ thưa Thầy! Chúng con chui vô đó đọc sách ạ!
- Sao các con không ngồi trên bàn mà đọc?
- Dạ… dạ… Hai chú ấp úng.
Thầy như đi guốc trong bụng các chú:
- Hai con đọc chuyện tranh phải không? Sợ Thầy la nên chui vô đó đọc để không ai biết đúng không?
- Dạ. Hai chú lí nhí trong miệng. Đôi mắt các chú ánh lên vẻ ngạc nhiên như tự hỏi: “ ao Thầy lại biết vậy kìa? Chuyện gì mình cũng không dấu được Thầy cả?”.
- Tâm Từ, Tâm Chánh! Các con cho bạn mượn một bộ vạt hò, mai thầy kiếm người may cho mỗi đứa một bộ mới. Các con phải thương yêu giúp đỡ Nguyên Khang nhé.
Nói xong, Thầy giao Nguyên Khang cho hai chú, rồi đi về phòng.
Tâm Chánh năm nay mười bốn tuổi, chú lớn hơn Tâm Từ một tuổi, chú cao hơn Tâm Từ một cái đầu. Còn Nguyên Khang thì bé hơn hai anh một chút, nên chú mặc quần áo của hai anh rộng thùng thình. Lần đầu tiên được mặc bộ đồ vạt hò chú thấy vui và hạnh phúc chi lạ, dù bộ quần áo cũ mềm, nhăn nhó. Thay áo quần xong, chú bước ra và nhoẻn miệng cười:
- Cảm ơn hai anh.
Hai chú nhìn Nguyên Khang cười ngặt nghẽo. Tâm Từ tinh nghịch hỏi:
- Sao bạn ôm cái quần hoài vậy?
- Dạ, tại cái quần lỏng dây thun nên mở ra là nó tụt.
Tâm Chánh đến gần đưa cho chú một sợi dây thun cột đỡ.
Trẻ con thật vui, trong một tiếng đồng hồ là chúng quen nhau và trở nên thân mật liền.
Vài ngày sau Nguyên Khang được Thầy cho thọ Tam quy ngũ giới và chú có cái tên mới là Tâm An. Chú rất thích cái tên này, bởi nó giống với các chú Tâm Chánh, Tâm Từ. Kể từ đó chú được Thầy và hai anh gọi là Tâm An.
Hơn một tuần qua, chú đi theo Tâm Chánh và Tâm Từ để biết cách sinh hoạt trong chùa. Tất cả mọi thứ đều xa lạ từ cái chuông, cái mõ, cái linh, cái tang… chú phải học tên gọi của chúng. Hai chú lớn rất vui khi được làm “thầy” chỉ vẽ cho Tâm An. Chú nào cũng giành nhau nói, giành nhau kể những chuyện mà các chú được biết:
- Tâm An! Em có biết tại sao cái mõ có hình con cá không?
Tâm An lắc đầu:
- Em không biết, anh kể cho em nghe đi.
Tâm Từ nhanh nhảu trả lời:
- Con cá đó là một ông thầy tu bị đọa đó. Nghe đâu ổng tu hành không miên mật, phá giới nên sau đó chết hóa ra con cá. Vì ân hận và muốn sám hối tội lỗi, nên mỗi khi con cá nghe tiếng tụng kinh đều ngoi đầu lên mặt nước để lắng nghe. Từ đó người ta khắc hình con cá lên mõ để răn dạy các vị thầy tu phải giữ gìn giới luật mà mình đã thọ nhận để hành trì.
- Vậy nếu em không thực tập năm giới mà Thầy mới trao là em cũng bị biến thành cá ư?
- Ừ, chớ sao nữa. Tâm Chánh gật đầu trả lời:
Chú lè lưỡi rồi nói:
- Ồ ! Sợ quá, em phải cố gắng thực tập chứ không bị biến thành cá, rồi lại bị người ta bắt làm thịt đau lắm.
Ba đứa trẻ đang huyên thuyên với nhau đủ điều, thì tiếng chuông báo hiệu giờ ăn chiều đã đến. Cả ba không ai bảo ai, tức khắc im lặng nghe chuông, thở và mỉm cười. Rồi trở về phòng mặc áo xuống nhà ăn dùng cơm chiều.
Về chuyện dừng lại nghe chuông cũng làm cho Tâm An ngạc nhiên. Chú thắc mắc không biết tại sao lại như thế. Tự nhiên con người đang hoạt động, nghe chuông thì dừng lại, đứng như tượng, thấy kỳ kỳ sao ấy. Chú đi quanh hai pho tượng sống, méo miệng, le lưỡi, quơ tay mà hai anh vẫn đứng im không nhúc nhích, cũng không cười với chú nữa. Tiếng chuông dứt, một lát sau, hai pho tượng mới hoạt động trở lại. Tâm Chánh, Tâm Từ nói với chú:
- Tâm An, em nên tập dừng lại để lắng nghe tiếng chuông, theo dõi hơi thở. Lần sau, em đừng múa máy tay chân trước mặt các anh đang thực tập nghe chuông nhé!
- Nhưng tại sao lại phải làm kỳ cục như vậy chứ?
- Tại em chưa biết đó thôi, nghe chuông là một pháp môn rất mầu nhiệm đó. Thầy đã từng dạy, khi nghe chuông thì dừng lại mọi câu nói, mọi động tác, mọi suy nghĩ để trở về hơi thở và thực tập bài kệ nghe chuông:
“ Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”.
Tâm Chánh từ tốn giảng giải. Tâm Từ thêm vào:
- Tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi mình trở về với chánh niệm. Mình nghe chuông là nghe những âm thanh vi diệu của Bụt gọi mình đó. Có nhiều khi anh cảm thấy trong tiếng chuông có tiếng Bụt gọi tên mình nữa.
Tâm An trố mắt nhìn, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:
- Thật hả anh? Bụt đã gọi anh à? Anh sướng ghê. Anh kể Bụt đã nói gì đi.
- Bụt gọi anh: “Tâm Từ, về đi con, về sống với giây phút này”.
- Vậy Bụt có thật à? Pho tượng kia đã nói với anh như thế ư? Sao mà linh thiêng quá.
- Ừ! Thầy từng nói: Trong cuộc đời của chúng ta ai cũng sẽ có lần nghe được tiếng gọi của Đức Thế Tôn mà mở rộng lòng thương yêu, tha thứ, bao dung. Từ tiếng gọi ấy khai thông suối nguồn tâm linh, khơi dậy ước mơ cao đẹp: đem niềm vui đến cho mọi người và làm vơi bớt khổ đau cho người nữa. Em có muốn làm điều đó không?
- Dạ có, em rất thích. Nghe chuông tưởng bình thường, kỳ quái như vậy mà lại linh ghê anh nhỉ? Em sẽ tập nghe chuông để được nghe tiếng gọi của Bụt.
Từ lúc đó, chú quen với việc dừng lại nghe chuông như một tiếng gọi thiêng liêng. Qua sự giải thích của hai anh, Tâm An háo hức làm ngay. Có lần, đang ăn cơm với Thầy và hai anh, mọi người nghe chuông đồng hồ đổ, dừng lại thở. Nhưng chú vừa đưa muỗng cơm vào miệng nên cứ để im tư thế đưa cơm như vậy nghe chuông. Chiều hôm đó, Thầy gọi ba anh em vào, bảo các chú lấy tọa cụ ngồi xuống, rồi Thầy chỉ dạy:
- Mấy hôm nay, Thầy có một số công việc nên chưa chỉ dạy cho Tâm An cách thực tập căn bản ở chùa mình. Thầy rất vui khi thấy ba con chơi với nhau như anh em, lại còn chỉ bày cho em mình cách thực tập nữa. Vậy các con đã chỉ cho Tâm An những gì nào?
Tâm Từ nhanh nhẹn chắp tay thưa:
- Chúng con nói cho em Tâm An nghe chuyện cái mõ, cách nghe chuông.
Rồi các chú lần lượt thuật lại những gì đã nói một cách vui vẻ. Thầy mỉm cười khen:
- Các con giỏi lắm, đã nhớ rõ những lời thầy dạy. Nhưng các con còn thiếu sót một số điều nên Tâm An lúc trưa đã ngậm muỗng cơm mà nghe chuông. Có đúng như vậy không con, Tâm An?
- Dạ thưa, đúng ạ. Chú lí nhí mắc cỡ, trước tiếng cười của hai anh. Thầy cũng cười, làm như chú là một chú hề trong rạp xiếc vậy.
- Tâm An con! Tại chùa này chúng ta thực tập chánh niệm. Chánh niệm tức là con biết được những gì con đang làm trong giây phút này, ở đây. Ví dụ như các con đang ngồi nghe thầy nói chuyện, các con biết rằng mình đang ngồi nghe. Tương tự như vậy, các con tập nhận biết trong tứ uy nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, làm cái gì mình cũng đem ý thức sáng tỏ soi rọi vào. Đó là phép thực tập căn bản nhất.
Thầy ngừng lại, nhìn ba chú như xem thử các chú có hiểu những gì Thầy giảng giải không? Rồi Thầy tiếp tục:
- Vì con người chúng ta hay quên, nên Sư Ông đã tạo ra nhiều cách giúp chúng ta ghi nhớ và quay về trong chánh niệm. Nghe chuông cũng là một phương tiện nhắc nhở ta. Cho nên khi nghe chuông, chúng ta đem tâm ý chạy lung tung đâu đó về lại với thân mình thông qua hơi thở. Các con có hiểu ý của thầy không?
Ba chú chắp tay xá xuống:
- Dạ hiểu ạ.
- Tâm An, các anh của con quên nói cho con biết khi thực tập mình phải áp dụng một cách khôn ngoan, khéo léo, đừng có quá cứng ngắc. Giống như hồi trưa, con có thể đưa cơm vào miệng, để muỗng xuống bát rồi ngừng lại thở cũng được, nếu con thao tác như vậy trong chánh niệm thì cũng như con đang đem tâm về với thân vậy. Nhưng cách thiết lập chánh niệm nhanh nhất, tốt nhất là theo dõi hơi thở.
Tâm An nhìn Thầy, chú cảm nhận được tình thương của Thầy thông qua giọng nói trầm ấm, ánh mắt trìu mến. Trong lòng chú trào dâng một niềm thương kính vô hạn. Thầy không như cha chú, khi lầm lỡ, thì Thầy chỉ bảo cặn kẽ, còn cha chú nếu có lỗi thì bị la, bị đánh mà chú chẳng biết sau này mình nên làm cái gì, không nên làm cái gì, cũng không hiểu tại sao mình làm như vậy là sai trái nữa. Sau mỗi lần bị la, bị đánh chú chỉ biết rằng nếu mình làm lại việc đó thì sẽ bị phạt. Chú sợ bị đánh, sợ bị la nên không làm thôi, chứ chú chẳng hiểu được người lớn. Người lớn kỳ lắm, lúc vui thì chú làm hư cái gì cũng không bị la, lúc buồn thì bị mắng ngay. Người lớn thật khó hiểu quá. Thầy cũng là người lớn, mà sao Thầy không hành xử như ba chú nhỉ. Tâm hồn chú cứ thả theo suy nghĩ. Vậy Thầy có phải là người lớn không? Nếu nhìn bề ngoài Thầy cũng lớn như ba chú ấy chứ. Bất chợt Thầy gọi:
- Tâm An, con đang suy nghĩ gì thế?
- Dạ thưa, con … con đang nghĩ… con nghĩ Thầy có phải là người lớn không? Chú nói xong rồi nhìn Thầy chờ đợi sự phản ứng của Thầy.
Thật bất ngờ, chú thấy Thầy cười, Thầy cười rất vui và hai anh cũng cười. Chợt chú đỏ mặt, mình lại ngớ ngẩn nữa rồi, Thầy nhìn chú hỏi:
- Tại sao con hỏi vậy?
- Dạ thưa, tại con thấy Thầy hành xử không như những người lớn mà con gặp. Họ chỉ bảo con là con nít thì không được làm cái này, làm cái nọ mà chẳng giải thích tại sao không được làm kia chứ? Người lớn họ lạ lắm, có nhiều điều họ nói không được làm vì nó không tốt nhưng họ vẫn làm. Còn Thầy không giống họ, Thầy chỉ dạy con làm gì thì con thấy Thầy cũng làm như lời Thầy dạy. Con nghe mẹ con nói: “chỉ có con nít mới nói chi làm nấy, nghĩ gì nói nấy thôi. Còn người lớn họ muốn nói gì cũng phải suy xét trước sau, thiệt hơn”. Cho nên con phân vân không biết Thầy có phải là người lớn không? Và tại sao Thầy lại biết con nít cũng cần được giải thích mọi chuyện khi yêu cầu chúng con làm?
Nghe chú trả lời Thầy thấy vui vui. Thầy bảo:
- Từ từ rồi con sẽ biết thầy là con nít hay người lớn. Nhưng thầy muốn nhắc con một điều, là khi đang nghe giảng, hoặc làm bất cứ việc gì con cũng phải tập trung, đừng để tâm ý lôi kéo mình đi như vừa rồi. Con có thấy không? Tâm ý của mình như một con khỉ cứ nhảy từ cành này sang cành khác mà không chịu đứng yên. Con đang nghe thầy giải thích việc nghe chuông, thì để tâm ý đâu đâu, con thấy mình có nên như vậy không?
- Dạ thưa, không nên ạ.
Chú rất khâm phục Thầy mình, Thầy nói như vậy chứ không bắt ép chú mà chỉ khơi lên để chú tự nhìn ra là mình không nên như vậy. Chú cảm thấy thật nhẹ nhàng. Ngồi bên Thầy, nghe Thầy dạy bảo sao mà thích thế! Lời dạy nào cũng dễ hiểu, khuyến khích chú thực tập.
Đến đây, Thầy bảo:
- Thôi chúng ta ngừng nhé. Các con có thể đi chơi, nhưng phải tắm rửa sạch sẽ trước giờ cơm chiều.
Nói xong Thầy thỉnh ba tiếng chuông, bốn thầy trò nghe chuông, thở, mỉm cười. Tâm An cảm thấy càng lúc việc thực tập nghe chuông càng có ý nghĩa. Chú mơ hồ cảm nhận ra rằng đằng sau việc thực tập này có nhiều điều mầu nhiệm mà chú chưa khám phá ra được.
Sư cô Chân Vỹ Nghiêm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn