Trang nhất » Tin Tức » HOẰNG PHÁP

Năm đặc tính của giáo pháp

Thứ sáu - 27/11/2015 20:33
GN - Giáo pháp của Đức Phật có năm đặc tính quan trọng mà qua đó chúng ta có thể phân biệt với các giáo lý khác của ngoại đạo hoặc do người đời sau soạn thuật ra.

1. Đến để mà thấy

Đến với giáo pháp của Đức Phật để thấy chân lý cùng những giá trị an lạc, hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và tương lai. Đến với giáo pháp của Đức Phật không phải chỉ để tin, nhất là tin những điều chưa thấy biết. Đức Phật dạy chúng ta không nên tin bất cứ điều gì, chỉ vì điều đó do một vị đạo sư nói hay do kinh điển truyền tụng. Chúng ta chỉ tin khi đã dùng lý trí suy xét, đã thấy những điều đó phù hợp với chân lý, những điều đó được người trí khen ngợi và khi tự thân áp dụng thực hành, chúng ta có được an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Bởi vì niềm tin mù quáng, niềm tin thiếu lý trí, niềm tin không có cơ sở hiểu biết sẽ dẫn chúng ta đi vào chỗ lầm đường lạc lối, chẳng những không đi đến an lạc, giải thoát mà còn gây nguy hại cho bản thân mình. Nếu truyền niềm tin ấy cho người khác sẽ làm hại người khác. Cũng như một người mù dẫn đường cho một đoàn người mù thì kết quả chẳng đi đến đâu hoặc bị sa hầm sụp hố.

2. Thiết thực hiện tại

Đặc tính thứ hai của giáo pháp Đức Phật là thiết thực hiện tại, có nghĩa là mang lại an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại, ngay trên cõi đời này chứ không phải chờ đến kiếp sau, sau khi chết, không phải chờ sinh về một thế giới khác.

Giáo pháp của Đức Phật có nền tảng chân lý, có phương pháp thực tiễn có giá trị, lợi ích thiết thực trong hiện tại. Giáo pháp Đức Phật không hứa hẹn viển vông, mơ hồ, không hướng niềm tin người khác đến những điều hoang đường, không tưởng.

3. Siêu việt thời gian

Giáo pháp của Đức Phật không bị giới hạn bởi thời gian. Trong bất kỳ thời đại nào, giáo pháp của Đức Phật cũng khả dụng, cũng mang lại những giá trị thiết thực cho con người, đó là an lạc hạnh phúc, giải thoát khỏi các phiền não khổ đau. Không có chuyện giáo pháp đó chỉ có giá trị trong thời đại này mà không có giá trị trong thời đại khác.

Như có quan điểm cho rằng giáo lý nguyên thủy của Đức Phật không phù hợp với thời mạt pháp. Đây là một quan điểm vô căn cứ, là quan điểm sai lầm bởi chính Đức Phật đã khẳng định giáo pháp của Ngài có đặc tính siêu việt thời gian (kinh Ba-lê [Pàtika], Trường bộ kinh, số 24).

4. Chỉ người trí mới thâm hiểu

Giáo pháp của Đức Phật dành cho mọi người, mọi thành phần xã hội, không phân biệt người trí kẻ ngu. Tâm đại bi của Đức Phật trải rộng đến tất cả mọi người, mọi loài. Tuy nhiên khi nói chỉ người trí mới có khả năng lãnh hội, chỉ người trí mới thâm hiểu và thực hành được, bởi vì giáo pháp đó là chân lý cao siêu vi diệu trái ngược với nhận thức thông thường (đầy vô minh và tham ái) của phàm phu, và là con đường tu tập chuyển hóa đi ngược lại dòng thế tục.

Ví dụ tham dục, khát ái là nguồn gốc của sinh tử luân hồi, khổ đau, là nền tảng mà thế gian sinh khởi, hiện hữu nhưng giáo pháp của Đức Phật là đoạn tận tham dục, khát ái nên khó thâm hiểu và lãnh hội.

Hoặc quan niệm và nhận thức của thế gian là hữu ngã (có ngã tính, có tự thể, có chủ tể), nhưng giáo pháp của Đức Phật cho biết các pháp hay mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã (không tự tính, tự thể, không chủ tể). Chúng sinh thấy thế gian là hữu ngã, là thường, nhưng giáo pháp Đức Phật khẳng định thế gian là vô ngã, vô thường (không thường hằng, bất biến, luôn trong tình trạng thay đổi). Tâm chúng sinh vốn chấp thủ và tham ái cho nên không muốn chấp nhận sự thật vô ngã, vô thường của vạn sự vạn vật. Chỉ người trí mới có thể tiếp nhận, lãnh hội được sự thật (chân lý) của thế gian và con đường tu tập chuyển hóa để siêu phàm nhập Thánh.

Người trí ở đây không phải là người học rộng biết nhiều, có trình độ học vấn cao mà là người có căn cơ trình độ tu tập, có khả năng lãnh hội Phật pháp, có tâm trí nhạy bén,  có nhân duyên với Chánh pháp. Nhân duyên của người trí với Chánh pháp là do nhiều đời nhiều kiếp đã tu học, đã gần gũi các bậc đạo sư và các bậc thiện hữu tri thức, đã từng nghiên cứu kinh điển, giáo lý nên hiện đời có thể lãnh hội được ý nghĩa thậm thâm của giáo pháp.

5. Có khả năng hướng thượng, đạt mục đích Thánh

Đây là đặc tính quan trọng nhất của giáo pháp Đức Phật. Giáo pháp Đức Phật có năng lực giúp người tu chuyển hóa thân tâm từ chúng sinh phàm phu trở thành bậc Thánh. Người đệ tử Phật thực hành giáo pháp từng bước trau dồi giới-định-tuệ để thành tựu giác ngộ, giải thoát phiền não khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi.

Năm đặc tính của giáo pháp Đức Phật có thể xem là tiêu chuẩn, thước đo dùng để thẩm định Chánh pháp. Đồng thời, năm đặc tính này cũng là những tiêu điểm quan trọng để người tu tự xác chứng việc tu tập của mình trong quá trình quy y Pháp, thực hành Pháp. 

Tác giả bài viết: Phan Minh Đức (theo giacngo.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 19


Hôm nayHôm nay : 964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 82900

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8533677