Trang nhất » Tin Tức » HOẰNG PHÁP

Tiền kiếp của A Nan Ða

Chủ nhật - 29/03/2015 14:58
Theo bản tóm lược tiền kiếp của A Nan Ða thì trong quá khứ hiếm khi ông sinh làm ma quỷ, thần linh. ông cũng ít khi đầu thai làm thú, mà thường luân hồi làm người. Nhiều kinh sách cũng xác nhận hễ A Nan Ða sinh làm người thì Anuruddha, anh của ông sinh làm chư Thiên, và Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) sinh làm thú.
Tiền kiếp của A Nan Ða

Tiền kiếp của A Nan Ða

Sự liên hệ mật thiết giữa A Nan Ða và đức Phật đã được lặp lại nhiều lần trong tiền kiếp. Thường khi ông và tiền thân Phật tái sinh làm hai anh em.

Những giai thoại về các kiếp sống quá khứ của A Nan Ða lẫn của đức Phật được chọn lọc và trình bày với mục đích nói rõ rằng: Trong những luân hồi tiền thân của hai vị đã luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh.

Túc Sinh truyện (Jàtaka) số 498 kể rằng: Một kiếp nọ A Nan Ða và đức Bồ Tát (*) sinh làm hai anh em chú bác trong một giai cấp hạ tiện. Nghề nghiệp của họ là tẩy uế những nơi hôi hám dơ dáy. Ðể tránh khỏi bị khinh bỉ, cả hai đã cải dạng làm những thanh niên thuộc giai cấp Ba la môn, mới vào được trường đại học Takkasila để tiếp tục sự học.

[* Tiền thân Phật còn gọi là Bồ Tát và chỉ có bậc Bồ Tát thì mới còn tái sinh. Chứ Phật không thể bị luân hồi nữa.]

Sự ngụy trang của hai anh em giai cấp hạ tiện này sau đó bị khám phá. Cả hai bị đánh đập tàn nhẫn bởi một số người học cùng lớp. Có một giáo sư là bậc hiền triết dã can thiệp kịp thời không cho các sinh viên hung ác thuộc giai cấp Bà la môn tiếp tục hành hạ hai anh em bất hạnh này, rồi khuyên họ xuất gia làm đạo sĩ.

Cả hai vâng lời và vui vẻ lấy cuộc đời đạo sĩ để sống trọn kiếp người còn lại. Khi biết tuổi thọ , vì nghiệp "xấu ngụy trang để gạt người" đã khiến họ sinh làm hai con thỏ rừng. Hai con thú này đã không bao giờ tách rời nhau, thậm chí khi chết cũng cùng chết.

Ở một chỗ, bởi cùng một mũi tên của một tay thợ săn.

Trong kiếp tiếp theo, tiền thân A Nan Ða và đức Bồ Tát lại sinh làm hai con hải âu, rồi một lần nữa lại cùng chết với nhau bởi những người săn bắn.

Làm chim hải âu là kiếp chót của họ bị đọa xuống thấp hơn loài người.

Sau đó A Nan Ða sinh làm Hoàng tử và đức Bồ Tát sinh làm con trai của một vị Quốc sư. Hễ A Nan Ða tái sinh ở địa vị cao sang, hưởng đủ các thứ khoái lạc, thì đức Bồ tát sinh làm bậc hiền triết, có định luật phi thường thông suốt nhiều vấn đề quá khứ, vị lai. Chỉ cần nhìn thấy môt sinh vật là đức Bồ Tát có thể thấy ngay tối thiểu ba kiếp trước. Còn A Nan Ða khi làm người, dù thông thái và tu luyện tinh tấn tới đâu, cũng chỉ nhớ được một kiếp trước mà thôi! Ðặc biệt kiếp ông sinh làm dân hạ tiện (Candala), cải dạng làm sinh viên Bà la môn, rồi bị đánh đập. Vì thế sau khi đi tu ông đã cố gắng Thiền định đạt được trí huệ biết rõ nghiệp khổ kiếp trước như vừa kể.

Lúc tiền thân A Nan Ða làm Hoàng tử được 16 tuổi lên ngôi, thì đức Bồ Tát đã trở thành một đạo sĩ tu hành rất tinh tấn. Một hôm đạo sĩ nhân đến thăm nhà vua, đã tán dương sự thanh tịnh của đời sống phạm hạnh và chỉ rõ những bất toại nguyện của một cảnh hưởng thụ dục lạc ở đời. Ðúc vua (tiền thân A Nan Ða) sau khi nghe xong liền nhìn nhận những điều đạo sĩ phân tích rất đúng. Nhưng vương gia thú thật ông không thể làm ngơ trước những lạc thú. ông bị chôn chặt vào ngôi báu như một con voi mắc cứng giữa đầm lầy.

Bồ Tát đạo sĩ (tiền thân Phật) bèn chỉ dạy cho nhà vua rằng: "Một vị vua khi còn ngồi trên ngôi báu vẫn có thể trau dồi đức hạnh của mình bằng cách cai trị muôn dân một cách nhân từ, giảm nhẹ các sắc thuế và hộ trì những bậc chân tu cũng như những nhà mô phạm".

Một hôm, chợt nhớ đến mẫu hậu, nhà vua (tiền thân A Nan Ða) chợt nghĩ rằng: "Khi chào đời ông nằm trong nôi như một hài nhi bất lực, vô dụng. Nếu không được mẹ hiền nuôi dưỡng thì ông đã chẳng bao giờ thành một con người tầm thường, chứ đừng nói là một nhà vua quyền cao chức trọng".

Vì suy xét như vậy nên nhà vua muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ hiền bằng cách xuất gia làm đạo sĩ để hồi hướng phúc đức cho hai đấng sinh thành. Và kiếp đó, khi hết tuổi thọ, ông đã cùng với đức Bồ Tát (tiền thân Phật) đồng sinh vào cõi trời Phạm Thiên.

Theo Túc Sinh truyện 421 (Jàtaka 421) thì có một kiếp nọ tiền thân Phật (Bồ Tát) sinh làm một nông dân nghèo, nhưng thường xuyên giữ giới Bát Quan Trai với tâm nguyện kiếp sau sẽ được giải thoát cảnh bần cùng, tiến hóa lên cõi cao hơn. Nhờ đức hạnh này mà đức Bồ Tát (hay tiền thân Phật) khi hết tuổi thọ đã tái sinh làm vua.

Còn tiền thân A Nan Ða thì kiếp trước sinh làm vua, mà vì quá dễ duôi, nên kiếp ấy sinh làm người gánh nước quê mùa rất yêu vợ.

Gia tài của người gánh nước chỉ vỏn vẹn có một đồng bạc rất quý, được y chôn giấu dưới một tảng đá lớn tại một chân núi xa xôi.

Ngày kia trong nước có hội hoa đăng tưng bừng vui vẻ. Vợ người gánh nước liền yêu cầu chồng đưa mình lên kinh đô xem hội. Người vợ ấy bèn nói với chồng rằng:

- Thiếp đã dành dụm được một số tiền nhỏ, nếu chàng có để dành chút ít nữa thì chúng ta sẽ đủ tiền đi dự hội.

Người gánh nước trả lời:

- Anh tiết kiệm mỗi ngày được một xu, và dần dà góp đổi ra được một đồng. Nhưng anh đã sợ để trong nhà sẽ sài hết, nên chôn giấu tại một nơi cách đây 12 dặm.

Người vợ nghe thế liền vui mừng, vừa giục chồng đi lấy tiền về, vừa bàn tính:

- Ðồng bạc lớn của chàng cộng với số tiền nhỏ mà em đã tiết kiệm được chúng ta có thể mua tràng hoa, nước thơm và thức uống cho cuộc hội.

Người gánh nước nghe lời vợ, lập tức đi lấy tiền về, mặc dù lúc ấy nhằm buổi trưa, mặt trời rọi trên đỉnh đầu, không khí rất nóng bức.

Khi người gánh nước đi ngang trước thành vua, ngẫu nhiên cao hứng hát một bài ca lời lẽ rất đặc biệt. Tiếng hát vô tình theo gió thấu đến tai nhà vua, lúc đó đang ngồi hóng mát trong vườn ngự uyển. Vua lấy làm lạ, bèn cho quân lính bắt người gánh nước đưa vào mà hỏi rằng:

- Trời nóng như thế này, tại sao người đi dưới ánh nắng, ca hát như giữa múa xuân?

- Tâu bệ hạ! Tiện dân vì quá vui sướng nên không cảm thấy nóng.

Nhà vua liền hỏi:

- Người vui sướng vì lẽ gì?

- Tâu bệ hạ! Tiện dân sắp sửa thu hồi lại một món tiền do mồ hôi nước mắt của tiện dân đã làm ra, và được cất kín tại một chỗ bí mật.

Ðoạn người gánh nước thuật lại cho nhà vua nghe cả câu chuyện y đã bàn tính với vợ.

Còn nhà vua, khi nghe tên gánh nước sắp thu hồi lại một món tiền, vua tưởng rằng "Ây chắc hẳn là một hầm của lớn". Nào ngờ vua rõ ra đó chỉ là một đồng bạc.

Vốn bản tính nhân từ, nhà vua không muốn người gánh nước lặn lội dưới trời nắng chang chang để đào lấy một đồng bạc, mừng lễ đăng quang. Vua liền cười xòa bảo rằng:

- Ngươi khỏi phải đi lấy tiền chôn giấu làm chi, ta sẽ cho ngươi một đồng để mừng lễ.

Người gánh nước lập tức hớn hở, cúi đầu thưa rằng:

- Tâu bệ hạ! Như vậy là tiện dân sẽ được hai đồng bạc! Cuộc dự lễ của vợ chồng tiện dân chắc chắn sẽ đầy đủ lắm.

Nhà vua bị kích thích liền nói:

- Trời nắng như thiêu, như đốt thế này ngươi khỏi phải vào núi lấy tiền. Ta sẽ cho ngươi hai đồng.

Người gánh nước lại một lần nữa mừng rỡ, rồi thật thà nói:

- Như vậy là vợ chồng tiện dân sẽ có ba đồng để mừng lễ đăng quang. Và tâu bệ hạ! Vì tiện dân yêu vợ nhiều lắm. Nếu có thể tìm thêm chỉ một xu để cho vợ vui mừng, tiện dân cũng sẵn sàng làm, huống chi chỉ vào núi lấy đến một đồng bạc!

Nghe vậy nhà vua càng bị kích thích hơn nữa. Vua liền "đấu giá" lòng thương vợ của người gánh nước bằng cách tăng từ hai đồng lên bốn đồng. Rồi từ bôn đồng tăng lên tám đồng.v.v.....cho tới một trăm đồng...!Sau cùng là một triệu đồng!..?

Tuy người gánh nước không từ chối món tiền hảo tâm lớn của nhà vua, nhưng y cứ khăng khăng đi lấy cho bằng được một đồng bạc chôn trong núi.

Nhà vua quá sức ngạc nhiên, bèn hỏi lý do tại sao thì nghe người gánh nước phân trần rằng:

- Tâu bệ hạ! Niềm vui mà tiện dân muốn đem đến cho vợ hiền phải do mồ hôi nước mắt của tiện dân tạo ra. Nếu tiện dân chỉ lấy tiền thưởng của bệ hạ đem về cho vợ mừng lễ, thì hạnh phúc ấy do bệ hạ tặng, chứ không phải do tiện dân tạo mang lại cho vợ.

Vua nghe thế lấy làm cảm động, bèn phong cho người gánh nước (tiền thân A Nan Ða) làm Phó vương.

Nhưng người gánh nước vẫn từ chối, và viện dẫn rằng: "Làm nghề gánh nước tuy cực nhọc, nhưng được tự do. Vợ chồng tiện nhân không chịu trách nhiệm một cách thường xuyên với ai cả. Bây giờ nếu tiện nhân nhận chức Phó vương... thì cái tự do kia sẽ đi mất!".

Ðoạn người gánh nước cung kính lắc đầu định rút lui. Nhưng nhà vua đã ra lệnh cho y ở lại để thực hiện tới cùng ý muốn của mình.

Như đã thuật ở đoạn trước: Nhà vua ấy là tiền thân của đức Phật, nên nguyện lực (sức mạnh của ý muốn) rất kiên cố. Sau một cái mỉm cười cao quý, nhà vua không ngần ngại cắt tặng cho người gánh nước một nửa giang san, để y được làm vua như mình mà không sợ chịu trách nhiệm với bề trên hoặc không sợ bị ai chỉ huy cả.

Bấy giờ người gánh nước mới nhận lời. Và kể từ dó vương quốc nọ được chia ra làm hai nước nhỏ. Một trong hai vị vua của hai tiểu quốc ấy còn có tên là "Vua một đồng bạc".

Ngày kia hai nhà vua đi săn. Khi mệt mỏi, vị vua thứ nhất (tiền thân đức Phật) nằm gối đầu lên bắp vế của vị vua thứ hai (gốc là người gánh nước) để nghỉ rồi ngủ thiếp đi. Vị vua thứ hai (tiền thân A Nan Ða tái sinh làm người gánh nước rồi may mắn được làm vua), trong một phút tham vọng nổi dậy, chợt nghĩ rằng: "Ta giết chết quách tên vua này để cai trị cả hai tiểu quốc, có phải sướng hơn không?.

Ðoạn vua rút gươm ra định giết bạn mình, thì một ý nghĩ khác bỗng lóe lên trong đầu: "Ta ngày xưa khổ sở bần cùng, nhờ người này mà ta được cao sang. Ơn ấy ta chưa có dịp trả, thì tại sao ta có thể hành động phản phúc, hèn hạ, ác độc như thế?" Rồi ông thọc gươm vào vỏ.

Nhưng một lần thứ hai, ý muốn cai trị cả hai vương quốc lại trỗi dậy và cũng dược nhà vua (vốn là người gánh nước) trấn áp.

Sau hai lần chế phục được lòng ham muốn, nhà vua có biệt hiệu "Một đồng bạc" chợt sáng suốt nghĩ rằng:"Ta phải tìm cách triệt hạ lòng tham này, kẻo không nó lại nổi dậy. Thượng sách là ta hãy lìa bỏ lưỡi gươm này đi. Dù ác tâm có nổi lên, Ta cũng không có phương tiện để làm điều tội lỗi".

Nghĩ xong, vua "Một đồng bạc'' liền quăng lưỡi gươm rất xa. Và tiếng động đã làm cho nhà vua thứ nhất tỉnh dậy.

Sự hối hận đã làm cho vị vua suýt phạm tội lỗi, lập tức quỳ mọp dưới chân vị vua ân nhân của mình để tạ lỗi. Vị vua thoát chết (tức tiền thân đức Phật), khi hiểu rõ tự sự đã vui vẻ tha thứ. Và Ngài còn bảo rằng:

- Cũng may là bạn đã thức tỉnh kịp, kẻo không bạn đã giết tôi một cách vô ích rồi, vì tôi vốn chẳng thiết tha gì với cái vương quốc nhỏ bé còn lại của tôi cả. Tôi chỉ muốn càng ít bận rộn, ít ràng buộc càng hay, để chờ một ngày kia tìm cách thoát ly cõi đời phiền toái này. Vậy để "cám ơn" sự thức tỉnh quăng gươm của bạn, tôi xin nhường bạn lên làm đại vương cai trị cả hai nước và tôi giữ chức Phó vương.

Nhưng sự hối hận của nhà vua tên "Một đồng bạc" rất mạnh, vua vội từ chối bằng những lời sau đây:

- Thưa bệ hạ! Lòng tham và cuồng vọng đã nổi lên trong tôi. Tôi thấy nó bắt đầu gia tăng, rồi che mờ lý trí như thế nào, thì tôi cũng sẽ tìm ra phương tiện để trấn áp và loại trừ nó như thế ấy. Bây giờ tôi chỉ muốn trở thành một đạo sĩ để sống đời sống phạm hạnh. Tôi phải vất bỏ vương quốc nhỏ bé này, cũng như tôi đã quăng đi lưỡi gươm ác kia, thì tôi mới tránh được làm điều tội lỗi.

Và kể từ đó, người ta thấy trên vùng núi Hy Mã Lạp Sơn có một đạo sĩ tu hành rất nghiêm túc, mà ai cũng gọi đạo sĩ ấy là Sa Môn, cựu Quốc vương "Một đồng bạc".

Còn nhà vua nhân từ suýt bị giết (tức tiền thân đức Phật) kia thì tiếp tục làm vua hộ trì vị đạo sĩ nọ (Có sách chép rằng nguyên nhân khiến cho vua tên"Một đồng bạc" suýt phạm tội sát hại ân nhân chính là bà vợ của ông. Từ thân phận vợ của một tên gánh nước, y thị bỗng một sớm một chiều được làm Hoàng hậu, nên sự đòi hỏi hưởng thụ sang trọng, quyền lực càng lúc càng tăng. Khi thấy vị vua lòng nhân từ (lúc trước là đại vương coi cả hai nước...) đối xử rất thân mật với chồng mình, coi như đôi anh em, y thị đã nhiều lần xúi giục chồng bất thần đem quân đánh chiếm, hay tìm cách giết quách vị vua phúc hậu ấy đi. Nhưng y thị luôn luôn bị người chồng từ chối. Lần chót: trước khi hai vị vua đi săn, y thị đã gọi chồng mình vào mật cung nói nhỏ rằng: "Kỳ này nếu vương không giết được ông vua hiền từ kia thì đừng trở về hoàng cung nữa". Vì lý do đó mà ông vua có tên" Một đồng bạc" sau khi thức tỉnh đã dốc lòng xuất gia ngay sau cuộc đi săn cuối cùng. Câu chuyện người đàn bà tham lam này rất dài dòng, có thể viết thành một tiểu thuyết luận lý. (Dịch giả xin mạn phép tóm tắt ở đây để cho nội dung nói về A Nan Ðà của quyển sách này khỏi bị loãng đi).

Túc Sinh truyện số 282 cũng thuật rằng: Thuở ấy đức Bồ Tát (tiền thân Phật) sinh làm Quốc vương nước Ba La Nại. Ðây là một vị anh quân, luôn luôn giữ mười phẩm hạnh của một bậc hiền vương, nhất là bố thí trì giới và giữ phép Bát Quan Trai. Nhưng tiếc thay trong triều thần của nhà vua có vị quan dâm ô, gian ác. Tên này đã tằng tịu với nhiều vương phi trong cung cấm. Tin thấu đến tai nhà vua nhằm ngày vua giữ Bát Quan Trai giới, nên ngài không hạ ngục tên gian thần kia, mà chỉ ra lệnh đày y ra một vùng biên ải.

Nhân dịp được vua rộng lượng, tên gian thần ấy liền thu hết của cải, mang cả gia đình trốn sang nước khác.

Sau đó nhờ miệng lưỡi khéo tâng bốc mà y lại được vị vua nước bên cạnh tin dùng, cho làm tới chức tả vệ quân, luôn luôn ở bên cạnh nhà vua. Và vị va lân bang ấy không ai khác hơn là tiền thân A Nan Ðà đã tái sinh đồng thời với đức Bồ Tát.

Vẫn chứng nào tật nấy: Một hôm tên ác quan kia đã khuyên nhà vua cử quân qua đánh chiếm thành Ba La Nại. Theo hắn, lý do thích đáng nhất là thành Ba La Nại là thủ đô của một vị vua nhân từ không thích chiến tranh, nếu đến xâm lăng thì sẽ ăn chắc. Nhưng trước lời xúi xiểm ấy vương gia lại e ngại vì nghĩ rằng: Toàn dân trong thành Ba La Nại rất khỏe mạnh, đoàn kết và thương kính vị vua của họ vô cùng. Khi họ hết lòng bảo vệ thủ đô thì đoàn quân xâm lấn không thể nào vào được.

Tên quan ác đoán ra điều suy nghĩ đó của nhà vua, bèn làm bộ thận trọng nói:

- Tâu bệ hạ! Nếu bệ hạ e ngại thì xin bệ hạ cứ binh ngự nơi hoàng cung. Hạ thần chỉ yêu cầu cấp cho hạ thần một đạo quân để hạ thần đi đánh thử.

Nhà vua liền chấp thuận việc gởi quân đi đánh thử ấy. Nhưng khi lâm trận thì tên ác quan thầy khí thế chống giặc của quan quân thành Ba La Nại quá mạnh, không thể nào thắng nổi, bèn chuồn trước thoát thân, lẫn trốn trong một vùng gần đấy. Trước khi chạy trốn y còn căn đám tàn quân của y nên làm "như vầy ... như vầy! Nếu bị bắt!"

Kết quả toàn thể đoàn quân "đi xâm lăng thử" ấy đều bị bắt, và dẫn đến chịu tội trước mặt vua thành Ba La Nại.

Vua Ba La Nại (tiền thân Phật) hỏi các tù binh rằng:

Tại sao các người dám cả gan đánh phá trong thành?

Tâu bệ hạ! Chúng tiện dân chỉ là những người nghèo khổ. Vì đói quá phải vào thành cướp giật kiếm ăn, chứ không phải là quân phiến loạn. Xin bệ hạ rộng lượng tha mạng.

Nhà vua nghe thế liền tội nghiệp tha chết, rồi cấp cho tiền bạc thả về nhà sinh sống.

Tin này thấu tai vị vua lân bang (tiền thân A Nan Ðà) nên vua bắt đầu tin lời xúi bậy của tên viên ác quan nọ. Ông nghĩ rằng:" Vua Ba La Nại nhân từ như thế, tất không thích cảnh chém giết. ta cứ cử binh tiến thẳng vào đền vua thì sẽ thắng trận, không cần phải chiếm những nơi khác trong thủ đô".

Quả vậy khi quân xâm lăng ồ ạt đến gần cửa thành thì viên tướng Tổng tư lệnh phòng vệ hoàng cung tuy ở trong tư thế thừa sức đẩy lùi kẽ thù, nhưng ông đã bị nhà vua cản lại, vì không muốn thấy cảnh đổ máu.

Kết cuộc: Thành Ba La Nại đã lọt vào tay quân xâm lăng, còn nhà vua và quan quân thì bị bắt làm tù binh.

Khi đối diện với nhà vua đến cướp thành, vua Ba La Nại bèn nói:

Nếu vương gia muốn cai trị cả hai nước, thì cứ nói thẳng với ta. Ta sẽ nhường lãnh thổ cho, việc gì phải động binh, suýt gây cảnh chết chóc cho dân chúng vô tội!

Thốt xong, nhà vua thản nhiên để cho đối phương dẫn mình vào tù. Khi ở trong tù, nhà vua hiền đức liền nhập định, rồi rãi tâm từ bi đến nhà vua cuồng loạn xâm lăng, khiến cho vi vua này tự nhiên cảm thấy buồn rầu, hối hận và bức rức.

Trong tù nhà vua đức hạnh càng rải tâm từ bi thì ngoài thành sự buồn rầu,hối hận của nhà vua thắng trận càng tăng. Tăng đến nổi mà ông không chịu được nữa, phải tự động vào tận ngục thất để xin lỗi vua Ba La Nại, và hoàn trả vương quốc lại như cũ.

Sau đó vị vua biết phục thiện (tiền thân A Nan Ðà) còn cam kết suốt đời sẽ làm đồng minh trung thành của vua Ba La Nại, nhất là tuyệt đối sẽ không gây chiến với bất kỳ ai. Ðoạn ông đuổi tên gian thần ra khỏi đám bộ hạ, rồi kéo quân về nước.

Còn vua Ba La Nại (tiền thân Phật) sau khi đã thu hồi lại giang sơn, liền nhường ngôi lại cho Hoàng tử, rồi xuất gia làm đạo sĩ. Trước khi lìa cung vàng điện ngọc, để vào rừng tu hành, nhà vua đã khuyên bảo các quan rằng:

- Này các khanh! trên đời chỉ có sức mạnh của giới đức là vững chắc nhất! chỉ có sức mạnh của lòng từ bi là võ khí để bảo vệ một vương quốc an toàn nhất. Vì khi dùng lòng từ bi để đối phó với kẽ thù thì máu sẽ không đổ, và chiến thắng sẽ là chiến thắng vinh quang nhất.

Truyện kết luận rằng: Kiếp ấy tiền thân Phật sau khi bỏ ngôi vua, hành thiền nơi rừng vắng, lúc hết tuổi thọ đã sinh vào cõi Phạm Thiên. Còn tiền thân A Nan Ðà thì tiếp tục làm vua, và trở thành một vị vua rất chân chánh.

Tác giả bài viết: Cuộc đời Thánh tăng Ananda, Hellmuth Hecker - Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: sinh làm
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 95


Hôm nayHôm nay : 12913

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 42615

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8423176