Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

ĂN VÀ SỐNG

Thứ bảy - 06/08/2011 16:31
Trong đời ai cũng phải ăn đặng sống: Nhưng bởi có cái sống trước, mới có sự ăn sau, vậy nên muốn sống là chớ sát sanh, muốn ăn thì không nên trộm cắp.
ĂN VÀ SỐNG

ĂN VÀ SỐNG

 

Trong đời ai cũng phải ăn đặng sống: Nhưng bởi có cái sống trước, mới có sự ăn sau, vậy nên muốn sống là chớ sát sanh, muốn ăn thì không nên trộm cắp.

Xưa kia có một vị quan văn hiền đức, bị kẻ nịnh âm mưu hãm hại, khiến lịnh vua lại sai Ngài cầm binh đi ra dẹp giặc Hung Nô. Ngài không thế gì tâu xin chi được.

Khi đem binh ra đến nơi, đóng trại xong, Ngài truyền lịnh treo cờ, rải giấy khắp nơi như vầy: “Phải ăn và sống, là đừng sát sanh trộm cắp”. Câu nói ấy nghĩa là: Ai cũng phải sống hết, mà sống là phải nhờ ăn. Vậy nên ăn và sống là hai vấn đề rất liên quan cần thiết. Hai pháp ấy có ra là do sự: không trộm cắp, không sát sanh trước hết của người cư gia hữu lậu.

Ngài dạy rằng: “Nhơn loại phải biết trọng nghĩa khinh tài. Người đừng vì miếng ăn mà liều mạng. Kìa như một bà mẹ, sanh ra một đứa con, cái sống có trước rồi sau đó mới nói đến sự lo ăn. Đành rằng: Có ăn mới sống, không ăn là chết, con vật còn muốn sống, khi đã có cái sống, huống chi người ta, nhưng chúng ta cũng nên biết thêm rằng: no quá là cũng phải chết. con người vì tham ăn mà phải chết, hại nhau, thì có ăn được món chi nữa đâu. Như thế thì sự ăn chốc lát chẳng no ngon bằng sự bền dài. Người ta biết sống, biết ăn để sống; hay biết sống có ăn, thì kẻ ấy há lại vì miếng ăn, mà phải chết hết với nhau sao? Vả lại chúng ta ăn là để sống, chớ nào phải sống để ăn, vì miếng ăn là để chết, tìm chết. Như vậy là người ta nên phải biết trọng nghĩa khinh tài! Người đừng coi tài quá trọng, khinh mạng hơn rơm. Chúng ta nên phải biết rằng: mạng người quý báu, cái sống khó tìm, khi chết đi đâu còn sống lại; chớ của cải trước sau mau chậm, có ngày ta kiếm được. Vậy thì chúng ta muốn sống là phải làm cho mọi người được sống. Ta muốn sống là phải làm cho mọi người có ăn, nếu khi ta có thể tiếp sức cho họ, mà nhứt là đừng phá tán người, để xúi người hãm hại lại mình bằng cách vô lý.

Trước hết ông quan ấy giác-ngộ cho quân binh, bằng sự nhắc tích đến một ông quan kia ngày xưa.

Thuở xưa có một ông vua nước lớn, được người ta cống sứ cho 18 cái lục bình quí rất to. Một hôm có một thái giám vô ý lỡ tay trong lúc lau chùi, làm rớt bể mất một cái. Lịnh vua quá giận, truyền bắt đem đi xử trảm. Khi ấy có một vị quan to, bước ra quì xuống xin tha tội cho người thái giám, mà tâu rằng: kẻ hạ thần đây có thể hàn dính cái lục bình bể ấy lại y như xưa, cho đến không còn dấu vết nứt răn chi được. Vua bèn ưng chịu, cho người dắt ông đến cái tủ đựng lục bình. Ông ấy liền xô cái tủ ngã xuống, để vỡ tan cả 17 cái kia còn lại. Mà đi đến tâu với vua rằng: “Từ khi chưa có những chiếc lục bình ấy thì tâm nhà vua rất trọn lành tròn trịa tốt đẹp, quí báu biết bao nhiêu. Thế mà không dè chỉ vì một cái lục bình bể, mà nhà vua lại thất đức, mê tâm giết hết một mạng người, để phải mất lòng thiên hạ, tánh ác nêu gương, thì sự hư hại lớn lao ấy, sau nầy biết sẽ xảy ra bao nhiêu việc thảm họa, hôm nay nếu tôi còn để 17 cái lục bình nầy nữa, thì còn phải chết thêm 17 mạng người vô tội như kia nữa. Vậy tôi muốn xin liều chết một mình để cứu mạng cho 17 người sau nầy, cùng việc mất lòng thiên hạ, có như thế, nhà vua mới khỏi mang tiếng là: không sanh ra người được, mà sao lại nỡ giết hại người, khinh mạng người rẻ hơn đồ vật.

Khi đó, nhà vua bèn tỉnh ngộ hối quá, lấy tâm mình tha chết cho cả hai, mà lại trọng thưởng vị quan kia thêm nữa. Và từ ấy về sau, nhà vua hằng lo trau tâm gìn đức, trở nên một ông vua nhân từ đức hạnh, thiên hạ khắp nơi thảy đều tùng phục”.

Ông quan văn ấy thường giảng bài cho binh nghe như vậy, nên không còn ai muốn ham đánh giặc, giết chết nhau nữa.

Ông truyền đem phân nữa số của cải tiền lương giúp đỡ, sự đói rách nóng lạnh, bịnh đau cho dân mọi. Ông dẹp bỏ lần lần hết khí giới; ông cất lập nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà mồ côi, trường học, nhà bảo sanh, nhà chẩn tế, để giúp đỡ cho dân mọi. Giúp vốn cho kẻ làm ăn, nhứt thiết cái chi chi, ông đều bố thí ra, mà không cần thâu vô vụ lợi. Ông dạy quân lính phải biết tự lo làm ăn. và dư ra là nên bố thí, để cho sự sống và ăn của hai bên không chênh lệch nhau, thì mới được yên vui, cho cả thảy được. Ông lại bầy cho sự cưới gã với nhau, để cho hai sắc dân hòa hợp, mà tạo nảy kết quả của một khối thương yêu mật thiết, vật-chất lẫn tinh thần, là một sắc dân thứ ba mới lạ. Ông cho đó là sự đúng chơn-lý, lẽ chung, không riêng tư chia rẽ phân biệt. Ông lại tôn thờ cả hai chủ nghĩa tông giáo của hai bên, ông bày cất ra cho nhiều chùa, nhà thờ, nhà giảng, cho khắp nơi dân mọi đến ở. Ông thương dân mọi cũng như ông. ông dạy quân binh phải có bổn phận, như kẻ đàn anh hy sinh giúp đỡ cho đàn em út. Ai ai muốn tu theo đạo giáo bên nào cũng được. Ai muốn bảo giữ đạo của mình tự ý, và chẳng ai được chỉ trích lẫn nhau, mà tốt hơn là mỗi người hãy rán học thêm, những giáo lý của nhau.

Cũng nhờ thế mà dân mọi kháp nơi kéo rũ nhau đến ở trong miếng đất của ông, theo với ông, chịu phục làm dân. Họ bỏ cả gia-đình xã-hội cha mẹ, vua, quan của họ. Họ thân mến ông , là bởi ông không tham lam vụ lợi, ông rất  ưa thích cái nghèo, đủ ăn để sống, và ra sức giúp đỡ người người. Ông biết đến chỗ cần thiết của người ta, nên gần ông, là ai ai cũng như no lòng mát dạ. Ông lại học tu theo Pháp Phật, ông biết kính đạo giáo của người, ông thường đem đạo lý chỉ giải cho mọi người. Vì thế mà ai ai thảy đều kính phục những việc làm lời nói đúng đắn cho ông hết. Ông rất quí trọng sự bình đẳng. Ông không cho ai kêu gọi ông là quan. ông khuyến khích  mọi người, nâng cao gương đức hạnh, mộ tu, ham học: bởi đó mà các quan vua mọi, lại cũng đến lui thân mật với ông, ông hằng tiếp rước họ tại chùa, nhà thờ, nhà giảng của họ, để bàn luận đạo lý, mà không hề nhắc tới chiến tranh chi cả. Thế nên chẳng bao lâu, xứ mọi ấy thảy theo ông, theo bằng đại đức của ông, Ông là thủy tổ của một giống dân màu da mới. Người ta tôn thờ ông như một vị giáo chủ, như trời, hơn vua: vì bởi ông đức lớn trong sạch hơn hết. Ông không có vợ con, ông biết quý trọng miếng ăn, sanh mạng của người, của vật. Ông không sát sanh, trộm cắp, dâm dục, không nói dối, khoe khoang, dâm thọc, rủa chửi, không uống rượu, ông không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn, xinh đẹp, như vua; không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ đông vui yến tiệc như quan, không chưng diện trang điểm áo quần như giàu sang, ông ngày ăn chay một ngọ, và không rớ đến bạc tiền của quý, ông lại có giữ đủ oai nghi hạnh kiểm trang nghiêm khắc kỷ.

Ông thật là một người tốt đẹp xinh lịch đủ cách về tin thần. Cho nên ai ai  thảy đều sùng tôn bái trọng. Như thế tức là ông đã thành công, ông thành công trong chỗ chết, ông thành công làm cho tất cả ta và người, ăn và sống phải như nhau, bằng nhau, biết sống để ăn, biết ăn để sống.

Sau khi ông thành công chỗ đó xong, ông lại đi đến những nơi loạn lạc rối khổ khác; để tế độ họ, cũng y như vậy. Trọn đời của ông, ông tạo lập ra không biết bao nhiêu xứ thiên đường cho nhơn loại, nơi những chỗ có chiến tranh. Ông là võ-trụ tạo hóa sanh ra miếng ăn và sống, cho những chúng-sanh tai nạn.

Về sau nhà vua hay biết được việc thành công đạo đức của ông, bấy giờ rất mến trọng ông, cho triệu ông về phong thưởng chức quyền to, nhưng ông không chịu nhận. Nhà vua phong tước phong vương cho ông và cho luôn cai quản những dân đất ấy, ông không chịu lãnh, vì ông chỉ muốn thong thả rảnh rang, giúp sự chi bảo cho người, chớ không mong danh  lợi. Chính ông cũng như một người tu, ông là một người tu xứng đáng, ông cũng như một vị vua trời, một vị bồ tát, để cho thiên hạ hưởng nhờ nương dựa. Ong là một đấng cứu thế, dạy đạo lo đời, ông là mạng sống, miếng ăn của loài người, và chỉ có ông mới là một người biết bỏ khí giới chiến tranh, không dùng đến khí giới chiến tranh ở trong đời, do đó mà ông đặng chỗ hôn người là bởi ông biết trong đời, do đó mà ông đặng chỗ hơn người là bởi ông biết trọng giáo lý, chủ nghĩa, lòng tự trọng, chỗ khát khao của người người. Ông hơn người ở chỗ giải quyết xong sự khó nhứt của loài người: là “ăn và sống”, một cách rành rẽ. Người ta mà tôn trọng, bởi độ lượng cao lớn rộng rãi của ông; vì ông cho rằng ai cũng là phải hết! giáo lý chủ nghĩa nào, cũng là phải cho nhơn duyên trình độ mỗi lúc, mà kẻ kia là chưa giống theo kẻ nọ trong ngày hôm nay được. Như thế tức là ông không có tranh đấu, ích kỷ, tư vị, cá nhân, chia rẽ. Ong biết dùng người, biết dùng tất cả, chẳng bỏ sót ai ai, với đức tánh nhân từ đạo đức của ông. Ông mà được giải thoát trong sạch, là bởi ông biết tôn thờ nghĩa vụ lên trên, mà giải thoát trong sạch vợ con, chỗ ở, món ăn, sự mặc. Ông mà tính tấn được là nhờ ở chỗ không nghĩ đến bịnh hoạn của xác thân mình; bởi ông cố gắng lo cho người ta, nên ai ai cũng hết lòng lo cho ông trả lại. Ông mà được sống dai, không phải chết, và nên đạo được, là bởi nhờ ông biết đem tài hộ đạo, đem phân nữa của cải ra bố thí, giúp đỡ cho người được ấm no, đặng sau nầy dạy dỗ cho họ tấn hóa thêm.

Cũng vì tấm lòng từ-bi thương xót của ông, và sự thật tâm của ông, mà tất cả đều xem ông như một ông cha hiền cao quý. Người ta, trẻ nhỏ, kẻ ác, không ai tranh cạnh ông, là bởi việc làm ông là hy sinh khổ nhọc, không không danh lợi. Vì thế mà ông được yên vui lắm, tự chủ lắm; ông làm cũng yên vui, mà nghỉ cũng yên vui, nói cũng yên vui, mà nín cũng yên vui, lo nghĩ, hay lo nghĩ, thảy đều yên vui cả. Đời của ông tức là đời yên vui, cõi đời là cõi yên vui đối với ông. Chính ông là bậc giác-ngộ, đúng chơn-lý tiến hóa nên hay ích lợi lắm. Ong là bậc đi trên trước kiểu mẫu, xưng đáng cho những kẻ đàng sau noi theo. Người ta nói rằng: ông không phải chết vì tay kẻ mọi kia, là bởi ông không tham lam tiếc giữ của cải vô ích, ông biết đem của cải dùng trúng cách hạp thời. cũng như ông muốn được yên thân, là ông đem tiền phân nửa ra mướn mọi làm tôi tớ, giữ nhà cho ông.

Ông cho rằng: “Ăn và sống là phải bằng nhau!”. Ông cũng như  một cậu công tử bé con, ở trong một lầu đài sang cả, còn đám mọi xung quanh, àl những gia-đình to lớn đông nhiều, mà lại đói khát nghèo nàn, thì hỏi thử, ai mà lại không phải giặc nghịch đối với ông, vì đói quá. Và ông tự hỏi thủ, có phải cậu bé ấy, lại ỷ của, bỏn sẻn, mà đem sức lực đánh dẹp người ta nổi không? Với cả trăm ngàn đám giặc, vì ai cũng là giặc, bởi tham và thiếu. Nào chúng ta có ai lại dám nói rằng: là cậu bé ấy phải ỷ sức ỷ tài, mà không phải là giác-ngộ đến đạo đức?

Cũng như kia một kẻ ăn mày đói khát, đi xin ăn nơi trước cửa, có phải cậu bé kia, lại nạt nộ chửi rủa duổi đi và đánh đập họ không? Có phải chúng ta lại nói quát nạt rằng: đồ chết đói, phải đi đi hay không? Có phải là ta cư xử vậy, mà họ đi không? – Chắc hẳn là không! Mà họ còn làm dữ gây thiệt hại cho ta thêm nữa là khác!Vậy sao chúng ta chẳng biết đem cho họ một tô cơm , để cho họ được no rồi họ tự đi, có chẳng là yên vui cho tất cả? Hay là chúng ta nhịn phân nữa chén cơm nơi miệng của chúng ta mà giúp cho họ gọi là ăn và sống là phải bằng nhau đúng phép, như thế có phải quý hơn? Tham lam để chết bậy, với không tham lam để sống, nên hỏi vậy chúng ta tự thử muốn cái nào?

Nào ai chúng ta có phen đã tự hỏi lấy mình như vầy: Khi mới sanh ra, nào ta có đem theo món chi gọi là của cải, mà sao hôm nay chúng ta lại cố chấp là của ai! Hỏi vậy  ta có biết rằng: Ta đang vay của ai đây hay chăng? Mà lại muốn ham nhiều ít? Và khi chết đi, ta được đem theo món gì cho tâm hồn! Vậy sao hôm nay chúng ta lại ích kỷ bỏn sẻn, mà đành bỏ những kẻ xung quanh như nhau? Giả như chúng ta có lần gặp một đứa bé, bẻ một trái bắp của người trồng tỉa. Người ấy la lớn lên rằng: Đứa nhỏ kia, sao người lại hái trái bắp của ta trồng?! Nếu như đứa nhỏ ấy lại trả lời rằng: “Còn ông, ai lại cho phép ông đào đất, múc nước, cuốc cỏ, đốn cây, giết thú? Ông có hỏi xin võ-trụ tạo hóa?”. Và có  ai trả lời rằng: Ừ, ưng chịu cho ông làm ngang ấy không! Ví như cây cỏ, đất nước không có tiếng trả lời, chớ còn thú vật, nó đã giãy dụa, phản đối, kêu la, nguyền rủa, mà sao lại người đang tay giết nó, đó là lẽ biết có sự xin và cho ư? Như thế chúng ta thử tưởng xem, người trồng tỉa nọ sẽ trả lời ra sao? Chắc là không trả lời ra sao được hết; vì ai cũng tham ngang cả, và ở trong đời ai ai cũng giàn cướp của nhau, giựt chuyền tay lẫn nhau, cái tham lấy của tham, trộm cắp của người trộm cắp, mạnh được yếu thua, lớn hiếp đáp nhỏ, đời đã như thế thì còn có gì là lẽ phải, và sống ăn được. Thê1 mới biết rằng: không có lẻ phải ở nơi sự vật, xác thân, ở nơi sự dốt nát, trẻ nhỏ, cái ác, cái ăn đặng. Như vậy thì ta đi chấp trách những trẻ nhỏ mà làm chi? Tại sao chúng ta chẳng thương xót nó, giúp đỡ nó, và dạy bảo cho nó, để tỏ ra rằng, ta là người đã biết, đã có cái biết, có biết phân biệt, ta có trí giác biết độ lượng hơn nó. Ta biết đến công lý, là tự biết đến lẽ bất công của ta mà tha thứ gíup đỡ cho sự bất công của kẻ bất công của kẻ khác , đối với ta. Tại sao chúng ta quá dốt nát, đi chê bai chỉ trích đả đảo những kẻ khác, mà chẳng chịu xét thấy lỗi của mình , để đặng chữa sửa cho mau tấn tới , tại sao chân mình những lắm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người? Tại sao ta lại rộng lượng đối với ta, mà hẹp lượng với họ? Tại sao chúng ta chẳng nhớ đến câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân ‘’? Tại sao ta lại mờ ám đến thể, chẳng có độ lượng, thứ tha xét kỹ mình, mà biết đến chỗ cần của họ, để giúp họ, để thâu phục nhơn tâm họ. Tại sao chúng ta chẳng nhớ rằng: được nhơn tâm hơn là của cải? Được nhơn tâm vĩnh viễn quý báu yên vui, có phải tốt đẹp hơn là sự chinh lòng họ, để phải gây oán thù tai hại cho cả thảy, chính được nhơn tâm mới là được của cải to về sau.

Kìa nào chúng ta có thấy, nồi cơm, cái ăn sanh ra trước cái sống là đứa nhỏ đâu? Nào kẻ chết có ăn được cái chi đâu? Hiện tại ta đây khổ não, thì hỏi vậy trong lúc ấy, có được ăn món chi chăng? Như vậy sao cho bằng: ta biết nghĩ đến cái thiếu của họ, thì tất nhiên họ sẽ biết đến cái thiếu của họ, thì tất nhiên họ sẽ biết đến cái thiếu của ta, chỗ cần của ta, thì tất nhiên họ sẽ biết đến cái thiếu của ta, chỗ cần của ta, ta giúp cho họ, họ giúp cho ta, ta biết đến họ là họ biết đến ta ngay, như thế chẳng là quý báu lắm, để thù óan cạnh tranh có ích gì? Kìa như một người câu cá, bởi thiếu con cá trong nồi canh, họ mới đi kiếm mời của con cá thích ưa, họ móc dính lưỡi câu, đưa vào miệng cá. Cá vừa lòng, là cá mơi1 sẽ theo về họ, và hy sinh mà vào chảo nước, chớ nào có phải họ chửi, hăm, hố, ố ngạo, tìm kiếm cá, mà cá theo về để hiến thịt cho họ đâu? Vậy thì chúng ta nên ghi nhớ câu nầy:

“Ai không cho, cho kẻ đã hỏi xin, là người ấy có tội với công lý nhưng cũng đừng xin thái quá, để phải mích lòng người”.

Biết hiểu nội câu ấy, dạy cho nhau nội câu ấy, là chúng ta cũng đã sống đời đúng chơn-lý tốt đẹp lắm. Vì trong đời ai ai cũng khiếm khuyết cả, ai cũng chẳng có của vốn chi hết, ai cũng đang bố thí lẫn nhau, đang xin lẫn nhau, đang học lẫn nhau. chơn-lý của chúng-sanh là Khất sĩ, chẳng có tham lam, thì sân giận làm sao có được, nếu người không phải si mê ngang dốt. Câu ấy để tỏ nghĩa rằng: Tại sao ta dư? Tại sao họ thiếu? Công lý chỉ rằng: Tại sao họ thiếu, ta mới dư! Bởi họ thiếu, họ mới hỏi xin. Kẻ biết hỏi xin là người quân tử, không trộm cắp giựt giành! Nên người có dư mà không cho là ác bất công, mà sự cao thấp dư thiếu ấy có yên vui được mãi đâu! Còn kẻ xin mà không thái quá, thì phải đâu như người trộm cắp nó muốn được cho nó hơn mà đành bỏ hại người ta. Câu ấy tức là công lý Chánh-đẳng chánh-giác, công bình, giác-ngộ quý báu lắm. Do theo đó, cõi đời sẽ bình đẳng yên vui, không còn cao thấp dư thiếu, thì bước chân người đâu còn vấp sụp té đau khổ nạn. Sự thật đúng lý như vậy! Mọi người đều được giác-ngộ biết ra lẽ ấy, kẻ từ bi vói tay xuống, kẻ dưới cung kính níu tay lên thì đâu còn những sự khỗ chết bông lông vô lý nữa, mà không phải gọi là hòa bình, hòa bình của sự ăn mà sống bằng nhau, đúng chơn-lý.

Kìa một ông già kia, chủ nhà giàu có lớn, ông muốn được những sự nên hay thêm lên, ông thấy ông dư ăn mà thiếu sống, còn những gia-đình sức lực đói khát xung quanh ông, có sống mà thiếu ăn. Ông liền đem của cải phân nữa ra mà giúp đỡ cho họ trước nên họ mang ơn kính trọng,hết lòng theo ông tới chết, có kẻ lại muốn chết theo ông. họ giữ nhà cửa cho ông, họ giúp ông trong công việc mở mang nghề nghiệp lớn lao hơn, họ xem ông như quan vua. Họ chỉ mến đức ông chớ nào có sợ, thế là ông vinh vang quá, đã thêm lợi nhiều, nảy nở, thêm phát đạt thạnh hành, chớ nào có phải thiếu nghèo; mà danh vọng của ông, thì lại càng cao siêu tột bực. Ay có khác nào ông đưa tiền ra trước để mướn tôi tớ, mà trong đời, có ai lại chẳng muốn tự mình làm tôi tớ cho ông! Cũng như một ông vua, nhờ phát lương mà được làm vua, nhờ phát lương mà danh to lợi lớn; như kẻ cho vay mất trước được sau, về sau lợi nhiều mà danh cao, chớ nào phải mất đi mà ta lo sợ. Sự thật đúng như vậy. Địa ngục thì bó rọ và càng bó rọ khổ lắm, sao bằng thiên đường rộng rãi, lại càng rộng rãi bao la.

Người lớn không giống như kẻ nhỏ, người giàu tâm trí chẳng giống với kẻ nghèo. Những ai giàu tâm trí mới phải thật giàu sang vĩnh viễn thêm lên, còn tâm trí nghèo hèn mãi thật nghèo hèn thêm. Đó tức là chỗ trí và chỗ mê vậy.

Thế mới biết rằng: Đời là tranh đấu, tranh đấu cái đức chớ chẳng phải trí tài. Đức sẽ thành công, đức sẽ làm nên, đức sẽ tạo ra tất cả, sẽ thắng tất cả. Đức là vĩ đại, là đạo của chúng-sanh, ai ai cũng đang ở trong đạo  của cái đức hết.

Cũng như vị quan trên kia, biết đem phân nữa của cải ra bố thí nuôi cho một xứ mọi trước hết, xứ ấy ủng hộ thân mạng cho ông, mà chống ngăn các xứ khác cho ông. Lúc ấy nào có phải ông mướn, hay cho tiền khắp cả các xứ trong thế giới? Chỉ vì ông gặp phải nhơn duyên với một xứ mọi ấy trước, thế là ông mướn một xứ  ấy cũng đủ rồi. Xứ ấy còn hưởng của ông, là phải ủng hộ nồi cơm ngày giờ nào có ai muốn đến chiếm đoạt phần thưởng ấy, mà xứ mọi đó không dám chống cự, là phần lương đó thuộc về xứ khác kế đó. Cứ mãi tiếp tục như vậy, ông là nồi cơm của họ, họ là sức lực của ông. Ông có ăn, họ có sống, ông giúp họ ăn, họ lo cho ông sống, hai lẽ bằng nhau. Ông ở giữa, họ ở ngoài, khi nào họ có giành nhau là ở nơi nước ngoài của họ với nhau, còn đối với ông ở bên ngoài ấm êm lắm, và lần lần ông sẽ cảm hóa dạy lại tất cả, cho họ quy theo. Thế là ngay sau ông được thành công, ông không còn phải là ông quan của một đạo binh nhỏ, mà chính ông là một vị Pháp Vương, lập thành một thế giới đạo đức, quốc độ Cực lạc trong giữa cõi đời, bằng tay không, bằng đức hạnh, bằng không tham, mà thắng được. Điều âyco1 khác nhau nào một tiểu quốc kia đối với một đại bang, và khắp cả cuờng quốc lớn to trong thế giới vậy thì tiểu quốc ấy phải làm sao? Một đứa bé 6 tuổi, đối với đầy cả xã hội, cha anh thi phải làm sao?

Cho hay trong đời vẫn rất trớ trêu: Xứ nhỏ thì bao giờ cũng giàu, vì đất dư người ít, xứ lớn thì bao giờ cũng nghèo, vì đất ít người dư. Cũng như người giàu ăn thì bao giờ cũng thiếu sức sống, người nghèo sống thì bao giờ cũng thiếu cơm ăn. Do đó là ý niệm sai, là cuộc đời sẽ đổ nát rối beng mãi mãi, không tài gì ai đem cái tham lam đi chế trị được. Ong quan ấy bởi đã giác-ngộ như thế nên ông nhận ra đạo đức là tối cần. Ông xử ngay câu trọng nghĩa khinh tài, mạng người khó gặp của cải dễ tìm, có sống là có làm nên kiếm được. Ông biết nghĩ đến lẽ sống, lẽ ăn, phải bằng nhau, trau đổi cho nhau. Ông mướn kẻ kia bằng cách vinh hạnh. Ông không phải bị thua, bị nhục nhã, bắt buộc, dâng nạp, và mất chủ quyền. trái lại ông làm chủ, ông bố thí, ông mướn họ làm tôi, như vậy là ông sẽ thắng, và lần lần ôgn dùng đạo đức mà dạy dỗ cho tất cả bằng cách cải sửa, tấn hóa tốt dẹp cho tất cả. Ngay như trong lúc mướn người hay bố thí, là chỉ có những kẻ còn tham lam có dư, và chua biết đạo, chớ người có tu giữ tám giới, trường chay và mười giới chay ngọ, giúp việc thí công, cùng xuất gia khất thực, và không có gạo tiền chi cả, nên không còn mướn thí ai hết. Ở xứ ấy ai ai cũng có giữ từ năm giới sắp lên: Họ ngó ngay mục đích giải thoát bước tới. Họ không dại gì mà làm dư cho khổ nhọc, lại sợ chết mà phải chia hai. Nhờ vậy mà xứ ấy về sau hoàn toàn đạo đức, xứ Phật, không tham, không vật-chất, xứ ấy được vậy là do quan ngài, khuyến khích sự tu, cũng như ép buộc người tu, không cho họ tham, thì nạn khổ chết mới hết lo sợ. Và khi xứ ấy đã tu hết rồi, không có chi dư, thì đâu còn có ai tranh giành đòi hỏi chi nữa.

Điều ấy có khác nào xưa kia tiểu quốc tự mình tấn công, mướn một cường quốc ủng hộ bên ngoài, đặng cho mình rảnh tâm yên trí, lo dạy độ cả thiện hạ về sau, rồi thì sẽ không còn có chi hỏi dò, không còn vật chi cống hiến nữa. Chúng ta ai cũng như vậy cả, chúng ta có xác thân, xác thân là tên trộm cắp, chúng ta lo nuôi nó mỗi ngày là, để lo lót cho nó, nó như cái nhà, nó sẽ ủng tâm trí học cứu đời lập đạo, dãy cả chúng-sanh. Tâm trí của ta ngày kia sẽ nên, còn thân thì sau nầy, đâu còn có nữa mà ta lo sợ. Thế tức là đúng chơn-lý, chánh lý lắm. Phật pháp chỉ cứu độ chúng ta y như vậy. Kẻ trí thức giác-ngộ, ắt thấy ra ngay rõ rệt, sự nên hay, mà sự thật hành, thì cũng không phải là khó, miễn chúng ta thật tâm là được.

Cũng như sự lo sóc cho thân ta, chỉ có tâm trí ta là không tham mới vui lòng, nuôi nấng nó, chớ ý chí tình vọng … con cháu trong nhà, có thích hợp sự nuôi nấng đâu? vì chúng nó còn tham lam nhỏ hẹp ích kỷ, cho nó. Chúng nó sẽ mất sự phóng túng cẩu thả tự do. Chúng ta tự tìm sự thái quá, để rồi bất cập, hại cho nó, mà chẳng biết. Mặc dầu lúc đầu chúng nó chống cự không lại, là cũng phải thuận xuôi về theo với tâm trí; để cống nạp cho xác thân một lúc. Điều ấy có khác nào một người bịnh nặng kia, đối với một vị pháp sư trước cho cơm cho thuốc, sau mới dạy đạo khuyên tu, khi nó biết tu rồi, là ông không còn lo cho nó nữa. Nhưng trong lúc ông cho cơm chữa bịnh, đệ tử ông ắt cũng phiền hà, vì tiếc cơm thuốc, nhưng đối với bịnh kia không mạnh, và lại hại lây, thì chúng nó không còn tiếc rẻ chi được. Thế mới biết rằng: ăn và sống là phải đi đôi, đi đôi bằng sự trao đổi cho nhau, mỗi người chỉ có được một món, chớ không ai bao giờ đầy đủ cả lẫn hai, khiến cho nên đối với lẽ thật trong đời, là không ai tự cao chấp tham mà cho là hạnh phúc ích kỷ.

Đối với lẽ ăn và sống trong đời, thật là rất quan trọng, làm để ăn, làm để sống, là hai giáo lý: biết ta, biết người đi đôi. Ta biết người, người biết ta, ấy tức là đạo đức đó. Đạo đức giữa ta và người, ở nơi ta và người, mà không ai bao giờ thiếu sót được.

Vậy thì chúng ta muốn sống là chớ sát sanh, cõi đời gia-đình xã-hội thế giới chúng-sanh có ra, là do sự không sát sanh. Nếu sát sanh thì dâu còn gọi là nhơn người, nhơn ái, loài người. Người ta là loài có trí, có lời khác cao hơn vật, thì lời nó đạo lý, đới với người, mỗi lúc, là rất cần dùng, khác xa với tay chân, dao gậy, của lúc buổi ban đầu. Và sự tu học đạo lý, đối với người lớn, là đúng hay hơn sự dốt ngang, ác gian của trẻ nhỏ.

Cũng vì thế, mà người ta nói rằng: Muốn mình sống thì đừng làm cho ai phải chết, nhứt là ta phải có độ lượng biết tha thứ, cho kẻ nhỏ nhỏ nhít hơn ta, vì ta đã cho chúng nó là trẻ con khờ dại, mà đi chấp trách làm chi? Nào chúng nó có phải như ta, hay hơn ta mà đi phiền giận; sự thật là nếu chúng nó đã như ta, thì đâu có chi sáu quấy, để phải ta giận hờn. Thế mới hay rằng: cái giận trách là không có, mà là chúngta chỉ có cái thương xót, cứu giúp dạy dỗ nhau thôi. Vậy nên những ai muốn sống, thì đừng sát sanh, và đối với luật sống chung tiến hóa của võ-trụ, thì dầu “ai giết người, giết vật, phải hay quấy, là phải tự mình thường mạng”. Có như vậy mới có gia-đình xã-hội, thế giới chúng-sanh được.

Vả lại trong đời, người ta ăn là để sống, chỉ vì muốn sống nên mới phải tìm ăn; mà trái lại người ta lại giành ăn mà tìm chết, thì vô lý quá. Chết rời ai ăn? Có phải đâu vì ăn để mà chết, thì sái với lẽ sống lắm. Nào chúng ta có nhận xét ra rằng: Nếu may mắn chúng ta không ăn mà được sống, thì hỏi vậy chúng ta có còn đi tìm món ăn vô lý nữa chăng?. Chắc hẵn là không còn tìm ăn vô lý nữa. Nếu sự thật đã phải như vậy, thì chúng ta há lại đi tìm chết chi cho dại dột? Tranh ăn mà làm chi? Rau trái có sẵn, chúng ta tạm xin ăn sống cũng được chớ sao? nào đợi phải cất trữ để dành. Có vậy người ta mới biết đạo đức là cái sống, miếng ăn, thiệt thọ; như thế là chúng-sanh có được cái sống trước, rồi sau lại mới cần ăn, cái miếng ăn có là không trộm cắp. Trong đời người ta mà không trộm cắp, thì dầu làm ít, hay không đi nữa, rau trái cũng vẫn sẵn có cho ăn, miễn đừng tham sướng ngon chi cho cực nhọc, nào đợi phải làm nhiều. Như vậy nghĩa là chúng ta phải biết rằng: Ai có sống thì cũng phải có ăn. không ai nhịn được, thế nên luật của miếng ăn là không nên trộm cắp. Kẻ nào tham lam, lo lót, lấy vét của người ta, là nhơn quả, quả báo, công lý sẽ truy tố phạt vạ, để giữ nồi cơm cho kẻ khác. Kẻ trộm thì bị tù. Kẻ cắp thì bị đánh đập. Kẻ cướp thì bị án đày. Kẻ giết người thì bị người giết lại, dầu không ai phạt xử lấy nó. Mà trong đời không có chi mảy may sơ sót, khuất lấp, ngăn che đặng. Quả báo mà đến lâu, là càng nặng nhiều cũng như vay nợ để lâu, là thêm lời, chớ không ích lợi chi hết.

TÓM LẠI: Giáo lý ăn và sống của bài nầy là để chỉ rõ hai giới đặc biệt của chúng ta là: Không sát sanh và trộm cắp. Vì chúng-sanh cần phải có sống, có ăn trước, rồi mới đến các công việc kia sau. Cái chi trong đời có ra cũng ăn và sống cả. Và có sống mới có ăn, là điều chúng ta đáng lưu ý hơn hết. Hiểu như thế thì con người sẽ trở nên đạo đức được, sự thật đúng như vậy, có sống, có nó trước, và sau lại, là còn phải đến với biết bao nhiêu việc quý báu, trọng cần hơn nữa, chừng ấy chúng ta mới sẽ trở nên hoàn toàn kết quả tốt đẹp. Giáo lý ăn và sống nầy, chỉ phân rất rõ rệt, đúng lý chánh lý, mà xưa nay ít ai nhận nhìn đem ra giải quyết để đến đỗi phải ấu đả cùng nhau, kéo dài mãi mãi. Giáo lý ăn và sống, là dùng chung cho tất cả thế giới chúng-sanh, chớ không phải riêng cho một gia-đình xã-hội, hay một người. Giáo lý ấy là cứu đời lập đạo, tế độ chúng-sanh, là ngón tay hào quang Pháp bảo của chư Phật, từ ngàn xưa, đã đem ra cứu vớt cho biết bao sanh loại hữu duyên. Sự ích lợi quý báu của nó, nhiều ít, lớn nhỏ, rộng hẹp bao nhiêu, vốn không xiết tả được sự diệu mầu. Nó cũng là một món bửu pháp vô giá, biến hóa thần thông, mà những ai hằng giữ gìn tôn trọng, thì sẽ được sự hay nên, quý cao hơn thiên hạ.

Vậy thì chúng ta nên nhớ rằng: Trời Phật cứu độ ta là bằng Pháp bảo, ta mà được cứu độ  hay chăng, là bởi tự nơi mình, xét lại hành vi của mình. Ay vậy chúng ta từ nay chớ nên quên rằng: Ai ai cũng phải sống, cũng phải ăn, không ai là không phải nhờ nơi cả thảy. Như thế thì sự biết đến đạo đức là quý báu hơn hết, và giải thoát Niết-bàn là yên vui hơn hết! 

Tổ sư Minh Đăng Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 1417

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 87935

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8538712