Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

Bát Chánh Đạo - Phương pháp tu tập diệt tận khổ đau

Thứ ba - 08/10/2013 21:55
Tám con đường chánh được tu tập là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Chỉ có tu tập Bát chánh đạo mới có thể chấm dứt được bát khổ, xa lìa vĩnh viễn khổ đau, được an trú trong đại định Niết-bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”.
Bát Chánh Đạo - Phương pháp tu tập diệt tận khổ đau

Bát Chánh Đạo - Phương pháp tu tập diệt tận khổ đau

I. QUA GIÁO LÝ TỨ ĐẾ, XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP TU TẬP THIỀN ĐỊNH

1. Thứ nhất: Cặp phạm trù Nhân - Quả trong đời

a) Khổ đế (tức bát khổ)

Sanh, già, bệnh, chết, thương yêu xa lìa, thù ghét gặp gỡ, cầu muốn không đặng và ngũ uẩn xí thạnh là những điều hiện hữu trong bát khổ mà xác thân chúng ta đang thọ lãnh. Những nhân chúng ta đã gieo tạo trong quá khứ từ thân, khẩu, ý; ngày nay nó tập trung tạo thành quả mà chúng ta thọ nhận từ thân đến khẩu, đến ý và chúng trở thành biệt nghiệp của chính mình. Do vậy, mình phải “vui gánh những gánh nặng đang gánh” vui chịu tất cả những hậu quả mà chính mình đã gieo tạo từ trong quá khứ cho đến ngày nay.

b) Tập đế (tức 12 nhân duyên tập)

Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Sở dĩ ngày nay, chúng ta thọ quả khổ (Khổ đế hay bát khổ), nó là quả khổ do chính cái nhân trong quá khứ, do nghiệp thức vô minh, nên chúng ta mê lầm tích tụ trong hành, thức, danh sắc v.v… cho đến ngày nay. Vì vậy, nếu muốn dứt khổ, không còn khổ, chúng ta phải nhận ra và chặt đứt tận gốc rễ vô minh và quyến thuộc của nó, tức 12 nhân duyên tập (từ vô minh, hành, thức… đến sanh, lão tử).

2. Thứ hai: Cặp phạm trù Nhân - Quả của đạo

a) Diệt đế (tức 12 nhân duyên diệt là Niết bàn)

Tự mình phải nhận ra, đoạn tận 12 nhân duyên do vô minh dẫn dắt tạo ra vô lượng lậu hoặc khổ đau để được an trú quả vị Niết-bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”.

b) Đạo đế (tức Bát chánh đạo)

Tám con đường chánh được tu tập là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Chỉ có tu tập Bát chánh đạo mới có thể chấm dứt được bát khổ, xa lìa vĩnh viễn khổ đau, được an trú trong đại định Niết-bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”.

II. TU TẬP THIỀN QUÁN QUA BÀI KINH PHÂN BIỆT VỀ SỰ THẬT (ĐTKVN, KINH TRUNG BỘ, TẬP 3, SỐ 141)

1. Chánh kiến

“Này chư Hiền, thế nào là chánh tri kiến? Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến”.

Như vậy, muốn hết khổ phải tu tập, thân chứng đạt đến tri kiến, tức thấy biết thật rõ về bát khổ, về 12 duyên tập. Đồng thời, thấy biết rõ về khổ diệt và khổ diệt đạo. Nói cụ thể hơn, chúng ta phải có quá trình tu tập và chứng ngộ tận tường Nhân và Quả của Tứ đế một cách rốt ráo.

2. Chánh tư duy

Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tư duy”.

3. Chánh ngữ

Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.

4. Chánh nghiệp

Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.

5. Chánh mạng

Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Này chư Hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh mạng.

6. Chánh tinh tấn

Này chư Hiền, và thế nào là chánh tinh tấn? Này chư Hiền, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với cái ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn.

7. Chánh niệm

Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời... trên các cảm thọ... trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh niệm.

8. Chánh định

Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. (Vị Tỷ-kheo ấy) diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm, (Tỷ-kheo) ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba (Tỷ-kheo ấy) xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.

Tu tập chuyển hóa trong nhận thức:

Sau hơn 2556 năm, bây giờ đọc lại bài kinh này, chúng ta thấy rõ tại sao Đức Phật sau khi đắc đạo Ngài đã trở lại Lộc Uyển thăm 5 anh em A-nhã Kiều-trần-như, sau khi Đức Phật giảng xong bài kinh Tứ đế thì 5 vị nầy liền chứng thánh quả A-la-hán. Ngay trong bài kinh nói về Bát chánh đạo, chúng ta càng thấy rõ hơn, Ngài dạy rất cặn kẽ:

- Chánh tri kiến là thấy biết rõ về Khổ đế, tức bát khổ. Thứ nhất, tri kiến là sự thấy biết rõ, ở đây tức tự mình soi sáng và thân chứng về sự sanh, già, bệnh, chết, thương yêu xa lìa, thù ghét gặp gỡ, cầu muốn chẳng đặng và ngũ uẩn xí thạnh khổ nơi chính mình, không còn bị vướng mắc hay chi phối nữa khi đó mới được gọi là chánh tri kiến.

- Thứ hai, chúng ta cũng thấy rõ và thân chứng về khổ tập, tức 12 nhân duyên. Những nguyên nhân tạo nên tập khí từ trong nhiều đời kiếp là do chấp thủ nghiệp thức vô minh nên chúng ta bị nó sai sử, hành động tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi, chấp theo danh sắc, tức sắc tướng huyễn ảo của tứ đại, của da thịt gân xương mà cho rằng nó là mình. Do chấp rằng nó là mình nên chúng ta ưa lấy giả làm chơn, chiều theo sáu căn, chạy theo sáu trần, bị lục nhập chi phối, chìm đắm hôn mê trong cảm xúc, cảm thọ, luyến ái mê lầm, chấp giữ cho rằng mình được, mình có. Đến khi vô thường hiện hữu, sự sinh tử chợt đến chợt đi… lúc ấy con người mới nhận ra mọi sự, mọi việc đến với mình từ vô minh, hành, thức… cho đến sự sanh, diệt của ta hóa ra tất cả đều là không, là huyễn mộng. Có còn chăng, chỉ là sự huân tập, sự tích tụ nghiệp báo luân hồi. Ở đây, thân chứng thấy biết rõ rồi dừng lại... có nghĩa là dừng lại 12 nhân duyên tập, thấu suốt, thấy biết rõ, thân chứng, tự mình không còn sự huân tập nghiệp tội khổ báo nữa.

- Thứ ba, tri kiến về sự khổ diệt tức là sự chấm dứt khổ tập, chấm dứt nó để được an trú Niết-bàn. Muốn được an trú Niết-bàn chúng ta phải bước sang giai đoạn thứ tư là tu tập để thấy biết rõ và thân chứng khổ diệt đạo. Đây là giai đoạn tu tập, tự mình soi sáng, thấu suốt Bát chánh đạo từ Chánh kiến đến Chánh định.

Một khi đã thành tựu được Chánh tri kiến, khi ấy chúng ta sẽ có một tầm nhìn tổng quát về Tứ đế, tức về “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Giáo lý Tứ đế được phân định rõ ràng bởi 2 cặp phạm trù Nhân và Quả trong đời (thế gian), Nhân và Quả của Đạo (xuất thế gian).

Cho nên, khi một vị Tăng Ni hay một Phật tử có Chánh tri kiến thật sự rồi thì vị ấy đối diện cảnh vật xung quanh với cái nhìn thông suốt về tính Nhân Quả của con người, xã hội hay quốc độ, không còn gì phải phân vân khó hiểu.

Nấc thang thứ hai, chúng ta cần nên soi sáng đó là Chánh tư duy. Đức Phật dạy tư duy về ly dục, vô sân, bất hại v.v… đó chính là suy nghĩ và chấm dứt tham, sân, si nơi tự thân trong nhiều đời kiếp.

Nấc thang thứ ba là Chánh ngữ. Người tu mà không có ái ngữ, lời nói không chân chánh thì sao gọi là người tu? Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta một cách tường tận và rất ân cần, phải tự chế, tự mình phải biết ngăn mình, nhiếp phục mình. Tự mình tự chế là không cho mình nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu và nói lời phù phiếm, hý luận vô ích.

Nấc thang thứ tư là Chánh nghiệp, tức tự mình nhiếp phục mọi hành động của tự thân, không làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm…

Nấc thang thứ năm là Chánh mạng, tức nuôi mạng sống một cách chân chánh, từ bỏ sự sống tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy biết một cách thật rõ là:

          Chánh tư duy thuộc về ý nghiệp

          Chánh ngữ thuộc về khẩu nghiệp

          Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về thân nghiệp

Nấc thang thứ sáu là Chánh tinh tấn, là sự tinh cần, nỗ lực siêng năng chân chánh trong bốn việc mà hành giả cần phải hạ quyết tâm phát nguyện trong lúc tu tập để thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nhìn trên mặt bằng cuộc sống của con người trong xã hội và thế giới này, chúng ta thấy hiện rõ 2 trạng thái chính về nghiệp báo của con người là thiện và bất thiện. Do vậy, chúng ta phải tỏ thái độ quyết liệt với chính mình:

          Bất thiện chưa sanh không cho nó sanh

          Bất thiện đã sanh tìm cách đoạn trừ, chấm dứt

          Thiện chưa sanh tinh tấn làm nó phát sanh

          Thiện đã sanh tinh tấn làm cho nó tăng trưởng.

Tương tự như các pháp trong đời. Một khi đã chọn được một công việc thích hợp rồi thì phải thực hiện mới mong đạt được mục tiêu. Cũng vậy, khi chúng ta đã có một định hướng, lựa chọn một phương pháp tu tập rồi thì phải nỗ lực tinh tấn mới mong đến đích, phải chế ngự mọi tham ưu ở đời trong mọi trường hợp, bao gồm: thân, thọ, tâm, pháp mới không bị pháp trần chi phối.

Nấc thang thứ bảy là Chánh niệm: sự kiên trì, gìn giữ tâm niệm chân chánh một cách liên tục không gián đoạn cho đến ngày thành tựu.

Nấc thang thứ tám là Chánh định: chính là sự an trú, thường trụ trong sự an định, bất di bất dịch của tâm tánh từ Sơ thiền (ly dục…) đến Tứ thiền (không khổ, lạc, xả niệm thanh tịnh).

III. TU TẬP THIỀN QUÁN QUA Ý PHÁP BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG CHƠN LÝ CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Bát chánh đạo tức là tám cách hành đạo, theo lẽ chánh của bậc Thánh nhân, cũng kêu là Bát Thánh đạo, là pháp tự độ độ tha, sống chung với tất cả, để cùng đưa nhau lên đến nơi cùng tột là Niết-bàn. Bát chánh đạo cũng gọi là Chánh pháp hay Trung đạo, gồm cả sự học và hành. Bát chánh đạo là tám cửa, tám đường vui, tám pháp giải thoát, tám tia sáng… là con đường tiến hóa của chúng sanh, tức là chơn lý của võ trụ mà muôn loại đều ở trong.

Bát chánh đạo là bà mẹ hay khí thở, hoặc như mặt đất, cái nhà mà người, Trời không bao giờ thiếu sót, lạc loài. Tất cả chúng sanh đều ở trong đạo bát chánh. Cõi đời có cũng do Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là sự sống, hay tâm hồn của chúng sanh mà các tông chỉ, giáo lý văn minh thảy từ đó mà ra cả. Bát chánh đạo không phải riêng của một đạo giáo nào, chính đạo là nấc thang chung của toàn thể.

(Trích Chơn Lý số 5 - Bát chánh đạo)

Bát chánh đạo cũng là con đường từ đầu tới cuối, mà chư Phật đã đi qua rồi.

Đức Phật đã chứng ngộ giáo lý Tứ đế, giáo lý Bát chánh đạo và lưu lại cho chúng ta. Tổ sư ngài đã kế thừa, đã tu tập thân chứng và tiếp tục truyền dạy cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta phải nỗ lực soi quán xem con đường, các pháp mà Đức Phật đã chứng đắc, Tổ sư đã thành tựu và đã chỉ dạy cho chúng ta một cách tận tường. Tự thân phải đối chiếu những điều mà Đức Phật đã giáo huấn, Tổ sư đã chỉ dạy, từ đó soi sáng, suy xét điểm đúng và điểm chưa đúng nơi chính mình để điều chỉnh, sửa sai. Đây chính là điều mà chúng ta phải tự khai thị cho chính mình.

Như vậy, chúng ta chỉ cần tuần tự kiểm điểm lại thật kỹ những lời dạy của Tổ sư qua từng ý pháp:

1. Chánh kiến: là sự nhận xét thấy tỏ rõ lẽ thật đạo pháp liền xuất gia giải thoát, lìa bỏ sự tà kiến vô minh lầm lạc của đời ác trược, bỏ khổ tìm vui.

Tất cả chư Tăng là những người xuất gia đang tu tập để bước dần vào cảnh giới chánh kiến mà Tổ sư đã nhấn mạnh phải từ bỏ sự tà kiến vô minh lầm lạc của đời ác trược, bỏ khổ tìm vui… Còn chúng ta đã chịu từ bỏ chưa? Quyết bỏ khổ tìm vui chưa? Có nhiều trường hợp, chúng ta đã đi tu mà tâm chưa chịu an định, không tự sống đúng theo tâm hạnh của người tu là bỏ khổ tìm vui mà lại thích chạy theo pháp trần bên ngoài để vui chịu với cái khổ trói buộc, rồi cứ than khổ.

2. Chánh tư duy: là sự chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý, để được trí huệ, phải ở nơi chỗ vắng, núi, rừng, vườn một mình ít lâu.

Ở đây, chúng ta càng quán xét lời dạy của Tổ sư. Đi tu rồi phải ở nơi thanh vắng núi, rừng, vườn một mình ít lâu… Chúng ta đã thực hiện chưa? Hiện nay, trong hệ phái chủ trương 3 tháng có một khóa tu “Giới-Định-Tuệ” một tuần lễ, tức là thực hiện điều này. Khi nhập chúng tu, mỗi vị chúng ta đã làm gì? Hãy đọc lại lời Tổ sư dạy là sự chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý để được trí tuệ. Mỗi ngày, mỗi thời tu nếu chúng ta biết tự tập trung cho sự chiêm nghiệm, suy xét, tìm tòi chơn lý… chắc chắc chúng ta sẽ đạt được trí tuệ như Tổ sư đã dạy.

3. Chánh ngữ: là tới lui cõi đời để nói pháp dắt dẫn dạy khuyên người, sau khi đã thấu lý đạo đắc quả, để cho được cái học từ nơi nghe, nơi suy nghĩ, nơi sự hành động, cùng nơi sự nói luận, giảng giải.

Điều này rất đặc sắc với người tu xuất gia. Hằng ngày mình chỉ nói, luận giảng những điều mình đang tu tập, thâu lượm được từ nơi sự nghe, sự suy nghĩ, sự thực hành… Chúng ta đừng đi xa. Nói như ngài Mã Tổ đã dạy cho Huệ Tạng (Thạch Củng): “Mỗi khi thấy trâu (tức tâm ý của mình) đi ăn lúa mạ nhà người thì hãy nắm dây giàm kéo lại”. Không nói lời vô ích, nhảm nhí, hý luận v.v…

4. Chánh nghiệp: là đi xin, ăn một ngọ chay, mặc một bộ áo vá ba cái, ở lều lá gốc cây, bịnh không tự làm thuốc, vật chất không không, không một chỗ, không một vật. Đi khắp nơi học dạy trau tâm. Lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp, không tích trữ của cải, không tự lấy, vì tự lấy là tham, không tự làm, vì tự làm là ác. Ta xin ăn của người mà sống, người xin học nơi ta mà sống; sống lo chuyền nhau, bỏ cái sở chấp ta và của ta, gian ác. Ở nơi rừng lượm xin trái lá, vào xóm xin thuốc xin cơm, uống nước xin sông xin suối, ngồi nằm xin đất đá; lẽ xin tự người vui hạp mà cho, là tốt đẹp hơn các nghề nghiệp.

Tổ sư chúng ta dạy, hãy sống theo nhơn duyên cảnh trí, không chấp thủ, không mong cầu, thiểu dục tri túc, sống đúng theo hạnh người tu xuất gia. Không riêng nơi Tổ sư mà chính ba đời chư Phật đều dạy và hành trì như vậy.

5. Chánh mạng: là không có cái sống cho mình. Thân là của đạo, của chúng sanh, sống bằng tâm chơn như; thân có không, còn mất chẳng mến, chết trong sạch hơn sống nhơ bẩn.

Như vậy, dù sống hay chết cũng đều là để tu tập và phụng sự chúng sanh.

6. Chánh tinh tấn: là sự cố gắng kiên tâm, trì giới, nhập định, và đi hành đạo giáo hóa khắp nơi.

Trong trường hợp nào, chúng ta cũng phải kiên trì lập đạo và giáo hóa chúng sanh, đều ơn chư Phật.

7. Chánh niệm: là niệm tưởng Phật, niệm tưởng Pháp, niệm tưởng Tăng, niệm tưởng chúng sanh khổ để tìm phương tiện cứu độ.

Đây cũng chính là thể hiện, thực hiện ý pháp tu tập tâm từ và hoằng dương chánh pháp.

8. Chánh định: là Niết-bàn chơn như, hay là sự nhập định, sau khi từ bi trí huệ đã đủ đầy, cũng gọi hưu trí nín nghỉ, sau khi rồi xong hết việc, của cải có dư.

Đây thực sự là niềm an định và hạnh phúc, đạo quả của người tu.

IV. TRONG TIẾN TRÌNH TU TẬP HÃY KHÉO PHÂN ĐỊNH TÁM CHÁNH ĐẠO VÀ TÁM TÀ ĐẠO (TRÍCH CHƠN LÝ SỐ 5 - BÁT CHÁNH ĐẠO)

1. Tám chánh đạo

Chánh kiến: là thấy chắc các sự khổ, thấy chắc lòng tham ái là nguyên nhân sanh các sự khổ, thấy biết chắc chỉ có cảnh Niết-bàn cắt tham ái, là nơi dứt khổ, thấy biết chắc con đường trung đạo dắt dẫn đến nơi diệt khổ, thấy biết chắc nhơn và quả. Thiện là đi tới, ác là đi lui, trong sạch là giải thoát, thấy rõ sự tiến hóa chớ không có chi lưu luyến, tríu mến cuộc đời.

Chánh tư duy: là sự suy xét không đành làm loài vật phải bị hại. Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn. Suy xét đặng tránh khỏi ngũ dục, để tìm sự xuất gia giải thoát, tầm tòi các nghĩa lý để độ mình và độ người. Quán xét sự khổ của muôn loại, chơn lý của võ trụ.

Chánh ngữ: là không nói dối, không đâm thọc, không rủa chửi, không khoe khoang vô ích, nói chơn thật, nói lời lành, nói đạo lý, khuyên lơn, can gián, khen ngợi…

Chánh nghiệp: là không làm nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, không làm các nghề nghiệp ác để cho có của cải. Không tham, sân, si.

Chánh mạng: là không nuôi loài vật để bán, không mua bán loài vật, không mua bán người (sự mai dong). Không mua bán thuốc độc, không mua bán đồ binh khí, không mua bán các thứ rượu để nuôi sống, không sống theo lẽ ác tà, không vì lẽ sống của mình mà giết hại mạng sống khác.

Chánh tinh tấn: là ráng giữ không cho sự ác sắp phát khởi ra được, ráng dứt sự ác đã có trong thân tâm, ráng làm những sự lành mà mình chưa làm, ráng làm những sự lành mà mình sẵn có cho được thêm lên, ráng nghe, học hỏi, giảng dạy, tu tịnh, giữ giới.

Chánh niệm: là nhớ chắc các tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã. Ghi nhớ rằng: cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã, không tham sân si, dục vọng, luyến ái.

Chánh định:

a.

Định sơ thiền: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định, xả.

b.

Định nhị thiền: hỷ, lạc, tịnh, định, xả.

c.

Định tam thiền: lạc, tịnh, định, xả.

d.

Định tứ thiền: tịnh, định, xả.

Tất cả các pháp lành trong thế gian đều thuộc vào tám phần của bát chánh đạo, không thể nói viết cho cùng… Bát chánh đạo gồm cả tam tàng pháp bảo, tám muôn bốn ngàn pháp môn, ba ngàn pháp cái mà chơn như (chánh định) là mục đích chỉ có một.

Bát chánh đạo cũng là tám con đường ngay thẳng, hay tám cửa giải thoát cho chúng sinh đang ở trong rừng sâu hố thẳm là đời. Bởi không hiểu mục đích, không thông chơn lý, chẳng rõ nhơn duyên, sau trước khó phân, chỉ quanh quẩn trong sự cần sống hiện tại nên chúng sanh đã tạo ra cho mình đám rừng nguy, hố độc. Càng lúc càng sâu dày để tự giam hãm và hành phạt lấy, mặc cho cái khổ nó hành hà, vô thường lôi kéo, cái không nó cướp giựt. Chúng sanh chỉ làm mọi cho sự vô ích, làm tôi cho lẽ thất bại.

2. Tám tà đạo

Tám tà đạo như vách đá, như giăng dây, như chuồng lồng, như khám ngục bao vòng; chúng sanh ở sâu trong chính giữa; hay là ở trong một nhà của tám nhà tà thì có bao giờ thấy biết đường ra?

Tà kiến đạo: là thấy biết mê tín, xác thân, quyến thuộc, vật chất cõi đời cho là có thật bền dài, hạnh phúc đầy đủ, không có chi hơn nữa.

Tà tư duy đạo: là sự so tính trù lượng, mưu hay trí giỏi, khéo léo tài nghề, nghiên cứu, học hành, chủ ý để đua tranh giành giựt lẫn nhau, đặng nuôi huyễn thân mộng cảnh.

Tà ngữ đạo: là quỉ quyệt lời nói, trau chuốt khoe khoang, dua bợ, nịnh hót dối trá, hơn thua, rủa xả, đâm thọc, nói lời vô ích.

Tà nghiệp đạo: là lấy tham sân si làm của cải, sanh đủ nghề nghiệp xảo trá, sanh nhai.

Tà mạng đạo: là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, trà, thuốc, biếng nhác, lợi dụng mong cầu sự sống, sướng ngon cho thân mạng.

Tà tinh tấn đạo: là siêng lo việc ác, cố gắng làm càng, chen đua danh lợi, liều mạng quên thân, lướt càng theo ý dục.

Tà niệm đạo: là niệm tưởng mãi, ghi sâu hút chặt theo vật chất, xác thân, quyến thuộc, luyến ái dục tình, tưởng nhớ không nguôi.

Tà định đạo: là cái sở định luân hồi, quyết giữ cõi đời thân xác, yên tâm trong của cải tình thương. Không còn biết đâu cõi khác, bậc nào; chỉ giữ vững lập trường chí hướng, tôn thờ xác thân, biết có một mình, mục đích tham sống, khổ sở thất bại không nao. Tự mình làm ác, xúi người làm ác, ưa chịu việc làm ác; tội ác không chừa, quả báo không sợ, tới đâu hay đó, miễn được vui cười, ai sao bỏ mặc.

Tám tà đạo gồm cả các pháp ác trược của thế gian, sanh ra tám muôn bốn ngàn sự khổ, ba ngàn cái ác, đem lại sự vọng động không ngừng, đối nghịch với chánh đạo.

Tà đạo là địa ngục mãi luân hồi, biến hóa không lường, giỏi hay không đếm, nói chẳng hay cùng… Tám tà đạo là tám vách địa ngục, những ai càng đi sâu vào, càng mất lối ra, như bãi sình lầy càng lún, càng chìm. Dầu ở một chỗ, một nhà (là một đạo trong tám đạo) hay đi quanh quẩn thế mấy, cũng không ra khỏi tay vô thường, bắt buộc khổ đau.

Cũng có lắm kẻ như vậy, mỗi người chỉ ở trong một tà đạo, một sở chấp, như: kẻ thì ở trong tà kiến, người thì ở trong tà tư duy hoặc tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định… nhưng nếu họ tìm ra được chánh đạo tương đối, thì ở tại nhà nào ra cửa đó, ở phương nào thì ra hướng đó, xây lưng trở lại rất mau lẹ vô cùng. Cũng như kẻ nhắm mắt, thấy địa ngục và đi tới mãi liền đó mở mắt ra là gặp Niết-bàn trước mặt rất gần. Phải trái, cong ngay chỉ ở trong một niệm trí mà thôi.

V. KẾT LUẬN

Đạo là sự xuất gia tấn hóa, bỏ lạc lầm lớp thấp, dứt sở chấp, thương yêu, tránh khổ cho mình và cho kẻ khác, ăn chay, đi xin, không của cải, không luân hồi, giải thoát khổ, trau dồi trí huệ, nhập định chơn như. Người đạo là người hành theo Bát chánh đạo, chánh pháp của chư Phật ba đời.

          Đạo nghĩa là pháp lý, giáo lý, hay đạo lý.

          Đạo là sự tấn hóa, bỏ ác lên thiện, đến nghỉ ngơi.

          Đạo là con đường của người giác ngộ.

          Đạo là sự quét sạch bụi trần.

          Đạo là chơn như tự nhiên vắng lặng.

          Đạo cũng là giới định huệ hay không không…

Nói cho rõ, đạo là con đường từ địa ngục đến Niết-bàn, con đường có tám chặng đi đến đoạn chót Niết-bàn chánh định mới kêu là đắc đạo. Đạo là bát chánh, là trung đạo tuyệt đối, giữa tương đối hai bờ lề, mực giữa phẳng bằng, không cao thấp ngăn ranh, tức là sự sống chung của chúng sanh vạn vật trong võ trụ, hay là cái sống vĩnh viễn đời đời, của ta và tất cả.

Ngoài bước đi từng khoảng của đạo bát chánh, không thể gọi là đắc đạo được. Ví như con đường trời người, là chỉ mới hai phần; thiện nhơn, cư sĩ chưa diệt hết khổ luân hồi trọn vẹn; chánh nghĩa đắc đạo là đã đến nơi cùng tột Niết-bàn không còn chỗ đi nữa, mới gọi là được. Muốn đắc đạo, ta là người, phải đến cõi trời, rồi mới đến Niết-bàn được, nghĩa là phải tập làm thiện nhơn cư sĩ đã. Chừng đủ thiện căn phước đức, nhơn duyên rồi mới được xuất gia khất sĩ làm Tăng, ở vào trong Bát chánh đạo kêu là nhập đạo. Kế nhờ sự hành đạo, đi đúng theo từng nấc của bát chánh mới đắc đạo. Như thế có nghĩa rằng: ai muốn làm Phật phải bỏ trời, người, qua khỏi cảnh cư gia thiện trí, nhập đạo làm Tăng khất sĩ! Cũng như đang ở dưới ruộng lầy cần phải bước lên mé bãi và rồi bỏ mé bãi mà lên bờ. Trên bờ mới gọi là có đi, đi đến chỗ, đi về nhà.

Nói tóm lại, Đắc đạo là đắc Niết-bàn, đắc đời là luân hồi, tức là đắc thiên đường hay đắc địa ngục. Đạo chánh là bởi thiện lành, không ác quấy. Ấn chứng của đạo là sự vui tươi, không khổ nhọc. Kẻ đã đi rồi mới tự biết là vui say no sướng hơn hết.

Tịnh xá Ngọc Hưng, 04/11/Nhâm Thìn – 2012

Tư liệu tham khảo:

1. HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, tập 3, VNCPHVN ấn hành 1992.

2. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập 1, Nxb Tôn giáo, 2004.

Tác giả bài viết: HT Giác Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: chánh
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 70

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 68745

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8449306